Basel II: Không thể chung một lộ trình

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn 3 tháng nữa các ngân hàng phải đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro tiệm tiến Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Trong khi một số ngân hàng đã và sẽ đáp ứng thì không ít ngân hàng đang như câu chuyện bị đánh đố.
Bài học còn đó
Việc quy định tăng vốn điều lệ ngân hàng theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã tạo cú sốc đột ngột cho hàng loạt ngân hàng tư nhân thời điểm đó (1.000 tỷ đồng cuối năm 2008 và 3.000 tỷ đồng cuối năm 2010). Đây là thời gian đa số các ngân hàng chưa đủ điều kiện niêm yết phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Trong khi chưa tìm được cửa cho việc tăng vốn thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành liên tục nhiều văn bản hối thúc, thậm chí răn đe “nếu không tăng đủ vốn sẽ phải hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể” làm cho không ít ngân hàng như ngồi trên lửa.
Giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trước áp lực nói trên, các ngân hàng đã bằng mọi cách tăng vốn. Chính đây là cơ hội ngàn năm cho một số tổ chức, cá nhân trỗi dậy động cơ thâu tóm ngân hàng. Đương nhiên “tiền tươi thóc thật” thì ít mà lắt léo gian lận thì nhiều. Hệ quả đẩy các ngân hàng vào tình trạng ma trận tiền ảo thông qua mô hình sở hữu chéo, NHNN quyết liệt nhiều năm mới xử lý được cơ bản.
Điệp khúc tăng vốn điều lệ khó khăn
Tăng vốn điều lệ là vấn đề sống còn của nhiều ngân hàng vì thời gian chạm đích hiệu lực của Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) chỉ tính bằng ngày. Không phải “nước đến chân mới nhảy” mà từ nửa cuối năm 2017 tới nay tất thảy các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ như một kế hoạch cấp bách. Tuy nhiên, kế hoạch là một chuyện nhưng thực tế lại chuyện khác.
Chẳng hạn, năm 2018 qua khảo sát có 20/24 ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ nhưng chỉ khoảng 45% số ngân hàng được ghi nhận tăng vốn thành công ở các mức độ khác nhau, như VPBank, TPBank, TCB, MB, VIB, SCB, OCB,… Chỉ có một ngân hàng cổ phần Nhà nước duy nhất là VCB tăng được 1.111 tỷ đồng vốn điều lệ từ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược GIC và Mizuho.
Các ngân hàng tầm trung tăng vốn thành công nói trên chủ yếu dựa vào phương thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu trả thưởng. Đặc biệt, TCB tăng vốn điều lệ gấp 3 lần, lên gần 35.000 tỷ đồng từ phương thức tăng vốn đó. Chỉ có SCB tăng được vốn điều lệ gần 1 ngàn tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Các ngân hàng không tăng được vốn trong năm 2018 đã chuyển kế hoạch sang năm 2019 nhưng đến nay dường như bế tắc.
Có 2 nhóm ngân hàng vốn điều lệ dường như không nhúc nhích trong nhiều năm nay là nhóm các ngân hàng cổ phần nhỏ và nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước (tính cả Agribank).
Nhóm ngân hàng nhỏ không thể tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung do cổ phiếu các ngân hàng này nhà đầu tư ít quan tâm. Trong khi nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước, việc tăng vốn điều lệ chủ yếu kỳ vọng Nhà nước điều chỉnh chính sách cổ phần hóa ngân hàng.
Hiện tại đã có 9/31 ngân hàng được NHNN công nhận đáp ứng tiêu chuẩn theo Thông tư 41: VCB, VIB, OCB, ACB, TCB, MB, MSB, VPBank và TPBank. Kỳ vọng những tháng cuối năm 2019 sẽ có thêm 1 ngân hàng được tham gia đội hình này là VIDB, nếu ngân hàng này tăng vốn thành công thông qua phát hành lô cổ phiếu có giá trị giao dịch trên 20.000 tỷ đồng cho KEB HanaBank.
Việc tăng vốn tự có đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất 8% thông qua tăng vốn điều lệ là hết sức khó khăn, thậm chí một số ngân hàng nhỏ không dám nghĩ tới. Chẳng hạn, BaoVietBank được NHNN đồng ý cho tăng vốn điều lệ lên 5.200 tỷ đồng từ năm 2014 nhưng mãi đến nay vẫn chỉ là kế hoạch ghi nhớ. Hoặc VietABank nhiều năm lỡ hẹn tăng vốn.
Cho nên để đáp ứng Thông tư 41 các ngân hàng chỉ còn cách tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu ngân hàng. Nhưng hiệu quả của phương thức tăng vốn này phụ thuộc nhiều vào uy tín từng ngân hàng và các vấn đề thị trường.
Trái phiếu ngân hàng tiềm ẩn rủi ro
Ngoài uy tín ngân hàng, thực tế cho thấy việc phát hành trái phiếu của ngân hàng phải đối đầu đồng thời 3 nguyên tắc, vừa đảm bảo lãi suất trái phiếu cạnh tranh, vừa không làm đội chi phí huy động vốn để không làm tăng lãi suất cho vay và vừa phù hợp thời điểm thị trường. Khó hơn việc phát hành trái phiếu DN rất nhiều.
Agribank bắn phát súng đầu tiên báo hiệu rủi ro do ngân hàng không thực hiện được đồng thời 3 nguyên tắc đó trong đợt ngân hàng này phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào cuối năm 2018. Khảo sát tại thời điểm đó, lãi suất trái phiếu Agribank từ 7,7 - 7,9%/năm với kỳ hạn 10 năm. Đây là lô trái phiếu chưa hấp dẫn với bất kỳ nhà đầu tư thông thường bởi so với trái phiếu DN kỳ hạn 3 - 5 năm có cùng thời điểm lãi suất phổ biến từ 10,5 - 14,5%/năm.
Điều đáng nói ở đây do buộc phải đẩy mạnh tăng vốn cấp 2 nên Agribank đã phân chỉ tiêu trái phiếu cho từng chi nhánh ngân hàng. Đến lượt mình, các chi nhánh phân tiếp chỉ tiêu cho nhân viên ngân hàng tìm cách tiêu thụ. Kết cục như các báo đưa tin nhân viên ngân hàng được ngân hàng cho vay số tiền họ mua trái phiếu và cầm cố ngân hàng bằng chính lượng trái phiếu đã mua.
Đây là nghiệp vụ lợi kép cho ngân hàng, vừa tăng được vốn cấp 2 vừa tăng trưởng tín dụng. Nhưng về bản chất ngân hàng không tạo thêm một dòng tiền nào cả. Hay nói cách khác, ngân hàng thông qua phát hành trái phiếu để phát hành thêm một dòng tiền ảo.
Đến nay chưa có báo cáo chính thức nào từ NHNN công bố số liệu phản ánh tình trạng các ngân hàng và DN mua trái phiếu lẫn nhau. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm hơn, dư luận thị trường đang đặt ra câu hỏi liệu giữa các ngân hàng, các công ty mẹ - con từng ngân hàng có đóng vai trò trái chủ cho nhau và nếu có mức độ ra sao? Đây là tiềm ẩn rủi ro khi ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu bằng mọi giá để tăng vốn cấp 2.
Vấn đề kỹ thuật có bước qua?
Basel II dựa vào vận hành 3 trụ cột chính: An toàn vốn tối thiểu; Rà soát và giám sát; Nguyên tắc thị trường. Nếu giả định tạm chưa đề cập 2 trụ cột có thứ tự phía sau và chỉ quan tâm trụ cột an toàn vốn tối thiểu thì việc xử lý kỹ thuật của từng ngân hàng đã hết sức phức tạp. Lúc này tìm cách tăng vốn như nói trên đã là khó nhưng việc tính ra được số lượng vốn cần tăng thông qua chỉ tiêu CAR có khi lại khó hơn.
Chẳng hạn, để xác định tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng đòi hỏi ngân hàng phải có danh mục chi tiết tài sản tín dụng tương ứng mức độ rủi ro, bao gồm riêng cho rủi ro tín dụng tại ngân hàng và rủi ro tín dụng đối tác. Hoặc xác định vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động đòi hỏi ngân hàng phải lượng hóa được mức độ rủi ro của từng hoạt động. Rồi xác định vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường đòi hỏi ngân hàng phải xác định bao gồm đủ 4 loại rủi ro thị trường.
Việc tính toán rắm rối đó đặt ra cho ngân hàng phải đủ dữ liệu tin cậy, hạ tầng công nghệ và kinh nghiệm chuyên gia tư vấn để xây dựng phần mềm chạy mô hình định lượng mới khắc phục được. Đó là công cụ bắt buộc cho nền tảng hệ thống quản trị rủi ro theo Basel II của ngân hàng.
Vì vậy cho dù đã có 9 ngân hàng được NHNN chấp nhận như đề cập ở trên nhưng thực tế CAR đã đạt mức tối thiểu 8% hay chưa đòi hỏi phép tính sát hạch tiếp nữa.
Thay cho lời kết
Việc NHNN đã có động thái tích cực để hệ thống ngân hàng nước ta sớm đáp ứng chuẩn mực tiệm tiến Basel II là tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta đã có bài học từ chuyện “Dục tốc bất đạt” rồi. Không và không để các ngân hàng buộc phải chống chế chính sách. Thiết nghĩ lộ trình Basel II áp cho từng nhóm ngân hàng cần được NHNN nghiên cứu phân đoạn phù hợp thực tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần