Bất an với mặt cầu Thanh Trì

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu Thanh Trì đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT nghiêm trọng do xuống cấp và tổ chức giao thông không hợp lý. Tình trạng này đã tồn tại từ lâu, lực lượng kiểm soát giao thông cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nhưng chưa được đáp ứng.

Mặt cầu xuống cấp
Thanh Trì là một trong những cây cầu quan trọng nhất của Hà Nội. Mỗi ngày có đến hàng vạn phương tiện lưu thông qua đây để ra vào TP. Thế nhưng, từ năm 2013, khi Bộ GTVT bàn giao cầu Thanh Trì về cho Hà Nội, mặt cầu đã xuống cấp, trồi lún, nhất là trên làn đường dành cho xe tải.
 Mặt cầu Thanh Trì tồn tại nhiều vệt hằn lún kéo dài gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông.   Ảnh:  Ngọc Hải
Đến năm 2015, hiện tượng hư hỏng được giải quyết một phần, nhưng từ đó tới nay, hiện tượng trồi lún, bong tróc ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí trên mặt cầu Thanh Trì, đặc biệt là đoạn 1/3 cầu về phía quận Long Biên đang tồn tại những vệt hằn lún, sống trâu, có vệt dài hàng trăm mét. Không chỉ làn xe tải mà cả làn xe con cũng bị trũng sâu khoảng 3 - 5cm, gợn sóng mấp mô, rất nguy hiểm cho phương tiện qua lại với vận tốc cao. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do mặt cầu trước đây được thảm bằng nhựa thường, khi nắng nóng thì mềm nhão, lại chịu lực liên tục từ lượng lớn phương tiện qua lại hàng ngày nên khó tránh bị lún sâu nhanh chóng.
Ngoài hiện tượng trồi lún, trong tổng số 10 khe co giãn trên cầu Thanh Trì có tới 7 khe đã bị bong tróc các lớp lót cao su; một vài vị trí còn xuất hiện ổ gà, hàm ếch nham nhở. Thượng úy Trịnh Minh Thanh - Đội CSGT số 14, Phòng CSGT cho biết: “Mặt cầu xuống cấp từ lâu rồi mà chưa được sửa chữa. Một số khe co giãn, vào mùa nắng cong bật lên, có chỗ nhô cao đến 30cm; những đầu sắt, thép nhô lên này, chẳng may xe chạy với tốc độ cao vấp phải có thể nổ lốp, mất lái; cực kỳ nguy hiểm đối với phương tiện lưu thông trên cầu”.
Tổ chức giao thông chưa hợp lý
Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ, với lưu lượng phương tiện dày đặc suốt ngày đêm cộng với tình trạng xuống cấp của mặt cầu như hiện nay, cho phép lưu thông với vận tốc tối đa 90km/giờ là không hợp lý, thậm chí rất nguy hiểm. “Chúng tôi đã có kiến nghị với lãnh đạo Phòng CSGT, đề xuất với cơ quan chức năng hạ vận tốc lưu thông tối đa qua cầu xuống còn 60km/giờ nhưng chưa được”.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân thông tin thêm, hiện cầu Thanh Trì cần lắp đặt thêm biển báo cấm vượt, biển báo bắt đầu và kết thúc làn đường riêng cho xe máy để tối ưu công tác tổ chức, điều tiết giao thông.

Mặt cầu Thanh Trì tồn tại nhiều vệt hằn lún kéo dài, nhiều khe co giãn bị bong tróc, nứt vỡ. Ảnh: Ngọc Hải

Đại diện Đội CSGT số 14 còn cho biết, có những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là ẩn họa mất ATGT nghiêm trọng trên cầu Thanh Trì. Ví dụ như tình trạng đá dăm rơi vãi không được dọn dẹp kịp thời trên mặt cầu; khi lưu thông với tốc độ cao, chỉ cần vấp phải vài viên đá dăm, lái xe giật mình, đánh lái hay mất lái là có thể xảy ra tai nạn liên hoàn. Gần đây nhất, ngày 18/3 đã xảy ra 2 vụ tai nạn gần như liên tiếp trên cầu Thanh Trì do các xe ô tô lưu thông với tốc độ cao, mất lái, đâm lao lên dải phân cách. “Mà mỗi lần xảy ra va chạm, dù lớn hay nhỏ là cầu Thanh Trì lại ùn tắc cục bộ, gần như không có lối thoát” - Trung tá Tuân nói.
Theo kiến nghị của đại diện Đội CSGT số 14, đơn vị duy tu, bảo dưỡng cầu Thanh Trì cần thường xuyên duy trì dọn dẹp vệ sinh; sớm có biện pháp khắc phục tình trạng mặt cầu, khe co giãn xuống cấp để đảm bảo êm thuận, phục vụ lưu thông. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện khi qua cầu cũng cần nâng cao ý thức, đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn, giảm vận tốc lưu thông để phòng tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.