Bát bún 1.000 đồng chan chứa tình người

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 2 năm nay, cứ vào thứ Sáu của tuần đầu tiên trong tháng, nhiều lao động nghèo hay người cơ nhỡ ở Hà Nội lại tìm đến phố Ô Chợ Dừa để thưởng thức những suất bún bò Huế với giá 1.000 đồng. Với họ, có lẽ đây là “món ăn trong mơ" mà chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Bát bún ấm lòng
Trời vừa hửng sáng, chúng tôi tìm đến quán bún bò Huế O Chanh theo bước chân của những người lao động nghèo khó. Là người có mặt sớm nhất tại quán, cô Nguyễn Thị Xuân, 55 tuổi (Nam Định) “e dè” tâm sự, qua lời giới thiệu của những chị em cùng xóm trọ, cô biết tới quán bún 1.000 đồng và đây là lần thứ ba tới thưởng thức. Hơn 10 năm nay lăn lội, vất vả bằng nghề thu mua đồng nát, thu nhập cũng chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng/tháng. Là lao động chính trong gia đình nên với cô, để bỏ ra mấy chục nghìn đồng ăn sáng là điều chưa bao giờ nghĩ tới. “Chưa bao giờ cô được ăn bát bún bò Huế ngon như thế này mà lại có giá chỉ 1.000 đồng. Đây là bát bún nghĩa tình của chủ quán dành cho những người nghèo, người đi làm ăn xa….”, cô Xuân xúc động nói.
Cứ vào ngày thứ Sáu đầu tháng, cả nhà cô Oanh, ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho chương trình từ thiện. 
Nửa năm nay, chú Văn Dương (52 tuổi) ở Quảng Xương, Thanh Hóa làm nghề phụ hồ cảm thấy như được an ủi, sẻ chia và đồng cảm hơn khi được thưởng thức suất bún 1.000 đồng. “Công việc lao động tay chân vất vả lắm, cháu ạ! Những người nghèo, người có thu nhập thấp như chú, chưa bao giờ nghĩ đến bữa ăn sang trọng. Nay được thưởng thức bát bún vừa rẻ vừa ngon mà lại sạch sẽ ngay trên đất Hà thành này, quả là hiếm hoi! Đúng là bát bún lịch sử ở Hà Nội!”, chú Dương nức nở khen.

Giữa Thủ đô náo nhiệt, xen lẫn trong dòng người bon chen, bước chân của chị Tô Thị Liên ở Thanh Hà, Hải Dương như nhanh hơn, âu cũng chỉ mong sao gánh hàng rong gặp được khách, bán đắt hàng. Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo, một mình vất vả nuôi 4 “miệng ăn”, nên một bữa sáng tươm tất với bát bún nóng hổi là điều chị Liên không dám mơ. Với thu nhập 50.000 - 70.000 đồng/ngày, “quà sáng” của chị Liên có khi chỉ là vài nghìn xôi, mẩu bánh mì hay chiếc bánh rán lót dạ. Thậm chí nhiều hôm chị phải nhịn đói, tiết kiệm thêm vào số tiền ít ỏi kiếm được hàng tháng để nuôi con. Không khỏi cảm động trước tấm lòng của chủ quán, chị Liên tâm sự: “Tôi là người may mắn nhất khi được chủ quán mời vào ăn bún trong một lần vô tình đi qua quán. Ban đầu, tôi cũng ngại lắm nhưng sau thấy có nhiều người, chủ yếu là những người có thu nhập thấp, đi bán hàng cùng vào ăn. Tôi thầm cảm ơn vì chủ quán đã hỗ trợ những người nghèo khó”.

Những câu chuyện cảm động ấy cứ thế lôi cuốn chúng tôi cho đến hết buổi sáng.

Làm từ thiện từ chính nỗi đau của mình

Thời buổi kinh tế thị trường, với 1.000 đồng chỉ có thể mua được ít bún, chứ đừng nói các loại thịt, mọc, chân giò, gia vị…, rồi tiền than củi, công nấu nướng, công phục vụ. Tuy nhiên, hàng trăm bát bún bò Huế như vậy đã được chủ quán O Chanh bán cho những người lao động nghèo. Tôn trọng khách hàng, để khách đến quán ăn không có cảm giác được ban ơn, thương hại hay bố thí, cô Ngũ Thị Kiều Oanh (54 tuổi), chủ quán bún bò Huế O Chanh cùng 2 con trai đã đưa ra ý tưởng bán suất bún 1.000 đồng với giá thực là 35.000 đồng trong “Ngày thứ Sáu sẻ chia” thể hiện tấm lòng và sự quan tâm, sẻ chia của gia đình cô với những người nghèo trong xã hội.
Với những người lao động nghèo, suất bún bò Huế có giá 1.000 đồng, có lẽ đây là “món ăn trong mơ”. Ảnh: Trần Thảo
Vừa thoăn thoắt chuẩn bị đồ ăn cho khách, cô Oanh vừa chia sẻ, phải trải qua những ngày tháng khổ đau mới thật thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người khác. Từng chăm chồng bị bệnh ung thư gan, xót thương khi tận mắt chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, cô Oanh đã tự tay mình nấu cháo rồi phát cho bệnh nhân nghèo ở viện K. Sau đó là ý tưởng nấu bún từ thiện trong “Ngày thứ Sáu sẻ chia". Vậy là cứ vào ngày thứ Sáu đầu tháng, cả nhà cô, ai nấy đều dậy thật sớm. Người đi chợ mua nguyên liệu, người tất bật dọn dẹp quán thật sạch sẽ để đón khách. Khi đến quán, người ăn sẽ được phát một lá phiếu thứ tự từ 1 - 150.

Nói về những ngày đầu của chương trình, cô Oanh nhớ lại: “Chúng tôi bán từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối mới hết 150 suất ăn. Thậm chí, chúng tôi còn phải ra ngoài đường mời từng người bán ve chai, hàng rong, những chú lái xe thương binh, nhân viên VSMT... vào ăn. Đến bây giờ, khi đã biết nhiều về chương trình thì mọi người chủ động tìm đến. Nhiều người ăn ở quán thấy vừa ngon lại vừa rẻ nên truyền tai nhau, đến bây giờ quán rất đông khách”. Dự tính ban đầu sẽ là 150 suất nhưng ngày nào cũng phải làm hơn, có khi là 200 - 300 suất. Tuy nhiên, quán cũng nhận được những ý kiến trái chiều, nhiều lúc cô và các con chỉ biết im lặng khi bị cho rằng là “điên”, “PR quán” hay quen thuộc với những câu hỏi: “Là người Thanh Hóa sao không làm từ thiện ở quê mà lại làm ở Hà Nội?”. Những lúc ấy, cô lại bảo: “Hiện, mình đang sống ở Hà Nội, nơi đây có rất nhiều người Thanh Hóa và các tỉnh lân cận, họ đi bán hàng rong, đánh giày, đi làm giúp việc kiếm sống. Họ đã đến với bún bò O Chanh ăn với suất 1.000 đồng. Theo mình, ở đâu cũng là người Việt Nam”.

Câu chuyện của chúng tôi luôn bị gián đoạn bởi khách vào quán đông hơn mọi ngày, khiến cô Oanh phải luôn tay phục vụ. Tiếp mạch câu chuyện, cô Oanh bảo, để duy trì chương trình từ thiện trong một thời gian dài không phải là dễ, 150 phần ăn không phải là ít tiền. Để làm được điều này, cô cùng các con đã phải nỗ lực rất nhiều, mặc dù gia đình không mấy dư giả. “Dù không giàu có, nhưng gia đình tôi vẫn muốn làm từ thiện. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn nấu cháo từ thiện. Trước kia, bún bò O Chanh được mở thêm ở Phú Quốc nhưng do không có người quản lý nên nay đã chuyển cho người khác”, cô Oanh chia sẻ thêm.

Lau vội những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt đã sạm nắng, cô Oanh tiếp lời: "Cuộc sống là thế, ngẩng đầu lên thì không bằng ai, nhìn xuống dưới thì nhiều người khổ hơn mình. Những người lao động nghèo vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà thiệt thòi, đi chợ, bán hàng bạ đâu ăn đó, cứ rẻ là tốt”. Với suy nghĩ, mình cho đi đồng nghĩa là mình đang nhận lại. Mình giúp người, đời lại giúp mình, nên cô đã làm dốc hết sức, cảm thấy tâm mình làm được những việc thiện. Từ đó, cô đúc kết lại rằng: “Trời cho mình lộc mà mình không nhìn thấy. Đời cho mình niềm tự hào khi con cái trưởng thành”.

Và đâu chỉ có những suất bún bò Huế trong "Ngày thứ Sáu sẻ chia", mà những người lao động nghèo còn được cô Oanh sẻ chia bằng những cân gạo, cân giò hay đơn giản chỉ là hộp bánh, gói kẹo… mỗi dịp lễ, Tết. Không những vậy, cô còn tận tình tìm việc cho những người có hoàn cảnh éo le. Đáp lại những tình cảm đó, có bà cụ biếu lại cô những vật dụng đời thường. Có lúc, cô tự hỏi: “Cụ tặng quà Tết cho mình bằng món quà người ta biếu cụ. Mình có nên nhận không? Có chứ! Quý lắm! Tuy nghèo nhưng cụ sống thật tình người”. Đặc biệt hơn khi nhiều bạn sinh viên tình nguyện đến phụ giúp quán vào "Ngày thứ Sáu sẻ chia", xin ở lại rửa bát cho quán. Gần 2 năm làm chương trình, không ít người, hoàn cảnh đã lấy đi nước mắt của bà chủ quán. Cô Oanh nghẹn ngào kể: “Cảm động nhất khi chứng kiến tình cảnh của 2 mẹ con vị khách đã cao tuổi (con trai hơn 50 tuổi bị thiểu năng, bà mẹ gần 90 tuổi). Khi bát bún còn những thìa nước cuối cùng, bà mẹ bảo con ăn hộ. Thấy vậy, tôi định làm thêm suất nữa nhưng cụ lấy lại bát vì nghĩ ngại. Sau đó, cụ đã biếu lại tôi bằng mấy miếng đậu phụ”.

""Lãi” lớn nhất mà mẹ con tôi nhận được có lẽ là niềm vui khi được sẻ chia nhọc nhằn với những người lao động nghèo khó, giữa bon chen, khó nhọc, mưu sinh của cuộc sống." - Cô Ngũ Thị Kiều Oanh - Chủ quán bún bò Huế O Chanh, số 30 phố Ô Chợ Dừa