Bất cập của BOT giao thông: Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, người dân và chủ các phương tiện tham gia giao thông đã liên tiếp có những động thái phản đối sự bất hợp lý của việc đặt trạm và mức thu phí của các dự án BOT (theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông.

Kết quả hội nghị tổng kết 5 năm đầu tư theo hình thức BOT của Bộ GTVT và báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất 5 bất cập chủ yếu trong quá trình thực hiện. Các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT xác định cụ thể trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc.
 
5 bất cập chủ yếu
Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, bên cạnh những mặt tích cực đã bộc lộ tồn tại về cơ chế chính sách và công tác quản lý trong quá trình tổ chức thực hiện. Cụ thể:
Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế; quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng.
Thứ hai, công tác lập, thẩm định, tính toán phương án tài chính và phê duyệt dự án của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn một số nội dung chưa hợp lý; công tác lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí (giá) tại một số dự án còn bất cập, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân; công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của nhà đầu tư còn bất cập, tồn tại một số sai sót.
Thứ ba, công tác lựa chọn nhà đầu tư còn bất cập, năng lực nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tài trợ vốn.
Thứ tư, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, việc triển khai tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chưa triệt để, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoàn thành công trình.
Thứ năm, việc giám sát thi công chưa chặt chẽ, một số dự án chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quyết toán còn chậm và kéo dài, khó khăn trong việc xác định giá trị đầu tư thực tế, xác định thời gian thu phí hoàn vốn dự án.
Về xử lý các tồn tại bất cập, Bộ GTVT đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống Luật, văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). "Qua kết quả thanh, kiểm tra của Bộ GTVT, các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, Bộ GTVT đã xác định cụ thể trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc", Bộ GTVT bày tỏ.
Trạm thu phí Cai Lậy: Sai chỗ, phí cao
Liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy đang gây bức xúc dư luận, theo Báo cáo tình hình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy, từ năm 2009, trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Quyết định số 2174/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2009). Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) là chủ đầu tư, lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, do không cân đối được nguồn vốn ngân sách Nhà nước nên phải tạm dừng việc lập dự án.
 
Trên cơ sở nội dung làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT (thông báo số 559/TB-BGTVT ngày 27/9/2012) trong đó có đề nghị tính toán các phương án đầu tư dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị đầu tư tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) do không thể cân đối được nguồn vốn nhà nước.
Đồng thời, theo kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về hình thức đầu tư và giới thiệu nhà đầu tư BOT (văn bản số 3901/UBND-CN ngày 30/8/2013), Bộ GTVT đã có văn bản số 9947/BGTVT-ĐTCT ngày 20/9/2013 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT (văn bản số 1908/TTg-KTN ngày 11/11/2013).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1908/TTg-KTN, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tư vấn phối hợp với địa phương tổ chức lập dự án đầu tư.
Tại cuộc họp thẩm định dự án, có lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang tham dự. Do tuyến QL1 xuống cấp, mất an toàn giao thông, nguồn vốn bảo trì không được dùng để thực hiện đầu tư cải tạo (Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ được sử dụng quỹ bảo trì để thực hiện công tác bảo trì, không sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản như nâng cấp mặt đường), Bộ GTVT và địa phương thống nhất giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam và tư vấn nghiên cứu đầu tư tăng cường mặt đường nếu cần thiết, đồng thời so sánh lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí trên tuyến tránh và trên QL1 hiện tại (Thông báo số 67/TB-BGTVT ngày 19/9/2013).
Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo nghiên cứu thêm phương án mở rộng QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, trạm thu phí đặt trên QL1. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư quá lớn, không hiệu quả tài chính,việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư 2 bên QL1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân; đặc biệt với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên QL1 đều phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và tư vấn, Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến UBND, HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Trong văn bản, Bộ GTVT đã phân tích, so sánh phương án đặt trạm thu phí trên QL1 hiện hữu với phương án đặt trạm trên tuyến tránh. Cụ thể:
Phương án trạm thu phí đặt trên QL1: Phạm vi dự án bao gồm tuyến tránh và đầu tư cải tạo tăng cường mặt đường, cầu, hệ thống thoát nước trên QL1. Với phương án này, sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; tuyến QL1 được cải tạo, tăng cường, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1 do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến QL1 và tuyến tránh.
Phương án trạm thu phí đặt trên tuyến tránh: Phương án này có ưu điểm là chỉ thu phí phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tránh, không thu phí các phương tiện đi vào nội thị thị trấn Cai Lậy. Tuy nhiên, sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua QL1 hiện tại khi không đi qua trạm thu phí, trong điều kiện tuyến QL1 không được cải tạo, tăng cường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến QL1 qua thị trấn Cai Lậy; hiệu quả tài chính dự án rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư.
"Bộ GTVT đã nhận được các văn bản đồng thuận của UBND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 5090/UBND-CN ngày 4/1/2013), HĐND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 44/HĐND-KTNS ngày 4/11/2013); Đoàn Đại biểu Quốc hội Tiền Giang (văn bản số 379/ĐĐBQH-VP ngày 6/11/2013) về vị trí đặt trạm trên QL1. Riêng Đoàn Đại biểu Quốc hội còn kiến nghị rõ "kết hợp tăng cường mặt đường qua Cai Lậy", Bộ GTVT cho hay.
So sánh với mức phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được đầu tư bằng tiền ngân sách, mức phí đang áp dụng là 1.000 đồng/km, thấp hơn so với giá thị trường (các tuyến cao tốc khác như TP Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình đang áp dụng mức phí là 1.500 - 2.000 đồng/km.
Hình thức thu phí của tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là thu kín (đi bao nhiêu km đường thì tính bấy nhiêu), khác với hình thức thu phí hở áp dụng cho các tuyến quốc lộ, mức phí không phụ thuộc quãng đường sử dụng.
Dự án tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang có chiều dài 38,52km, trong đó, đoạn gia cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5km, còn đoạn tuyến đường tránh xây mới dài 12,02km. Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng. Đại diện chủ đầu tư - Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn

Trạm thu phí này được đưa vào hoạt động từ 1/8. Liên tiếp những ngày sau đó xuất hiện các trường hợp tài xế đưa tiền lẻ khi qua trạm nhằm gây kẹt xe. Đến chiều 13/8, các tài xế đồng loạt đưa tiền lẻ buộc phía trạm phải liên tục xả cửa. Đến rạng sáng 15/8, trạm thu phí đã tạm ngừng thu phí cho đến nay. Sau khi ngừng thu phí, khu vực xung quanh trạm không còn bị ùn ứ, các tuyến đường né cũng không còn xe né trạm chạy vào. Nhiều người yêu cầu giảm mức phí và di dời trạm BOT sang tuyến tránh Cai Lậy thay vì đặt trên Quốc lộ 1.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần