Bất cập trong xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường năm 2019 còn một số vấn đề bất cập. Đó là vấn đề được chỉ ra qua phiên thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2019; dự kiến nhiệm vụ, ngân sách năm 2020 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cuối tuần qua.

 Cống thoát nước thải chảy vào sông Tô Lịch. Ảnh: Hải Linh

Ô nhiễm vẫn diễn biến phức tạp
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, 9 tháng năm 2019, đã có 2 dự án quy hoạch thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, 230 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 42 dự án, hoạt động đầu tư thực hiện đăng ký cam kết bảo vệ môi trường; 42 dự án được cấp T.Ư xác nhận hoàn thành.
Bộ TN&MT cũng tổ chức thanh tra 210 cơ sở trên địa bàn 13 tỉnh, TP, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở, tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Đến nay đã có 289/435 cơ sở có tên theo Quyết định số 1788 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 66,43%; 146 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã xử lý hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu…
Tuy nhiên, quan kết quả thẩm tra về vấn đề này, các thành viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cũng chỉ ra, nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường tích tụ vẫn chậm được giải quyết triệt để, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Trong năm 2019 tiếp tục phát sinh những vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận ở một số địa phương, trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường còn lúng túng trong việc giải quyết.
Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, đặc biệt có nhiều khu công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa hoàn chỉnh hạ tầng thu gom, xử lý, quan trắc nước thải. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom chưa đáp ứng yêu cầu; lượng chất thải rắn gia tăng mạnh; ô nhiễm không khí các đô thị lớn diễn biến phức tạp… Cùng với đó, số ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường T.Ư chưa phân bổ còn lớn (1.138,078 tỷ đồng) chiếm 49,7%.
Tăng năng lực quản lý môi trường
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy, cần tăng cường năng lực quản lý môi trường từ T.Ư đến địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mức độ gia tăng nhanh về quy mô, diễn biến ngày càng phức tạp về môi trường.
Tuy nhiên theo Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh, Luật Bảo vệ Môi trường đã có quy định về thu gom rác thải nhưng việc thực thi trong thực tế không hiệu quả, do nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng lợi ích nhóm trong xử lý rác thải. Do đó, phải tăng cường quản lý Nhà nước về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, trọng tâm là việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nâng cao năng lực thu gom, phát triển công nghệ xử lý phù hợp, chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa.
Nhiều ý kiến khác cũng nêu ví dụ về cuộc chiến chống rác thải nhựa ở nhiều địa phương thời gian qua chủ yếu vẫn làm theo phong trào, hô hào, khẩu hiệu chung chung, trong khi đó rất cần những chiến lược, kế hoạch cụ thể hơn... Đồng thời, việc xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh tiến độ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường… cũng là vấn đề cần quan tâm hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần