Bất cập từ các điểm tập kết rác

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xây dựng Thủ đô “xanh - sạch - đẹp”, TP Hà Nội đã từng bước hiện đại hóa biện pháp thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt với rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, công tác thu gom, tập kết rác vẫn gặp không ít khó khăn.

 Xe rác tập kết trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Ảnh: Vân Nhi

Thiếu điểm trung chuyển rác

Trong công tác thu gom rác thải sinh hoạt, TP đã đặt ra một yêu cầu bắt buộc đối với các công ty vệ sinh môi trường (VSMT) là không để rác tồn đọng qua ngày. Để thực hiện được mục tiêu đó, hàng ngày, các đơn vị thu gom rác đã bố trí lực lượng chia ca làm nhiệm vụ 24/24 giờ nhằm kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khối lượng rác thải ngày hôm sau luôn cao hơn ngày hôm trước, việc không để rác tồn đọng qua ngày là điều không đơn giản.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, từ tháng 5/2017, đơn vị đã phối hợp với các quận, tổ chức khảo sát và đặt hơn 5.000 thùng rác trên các tuyến phố và ngõ lớn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, khách vãng lai có chỗ bỏ rác. Đến nay, việc người dân mang rác ra bỏ vào thùng đã trở thành một thói quen rất văn minh.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, tại nhiều quận, huyện, các công ty chịu trách nhiệm thu gom rác thải đã phối hợp với cấp chính quyền, tổ dân phố… tiến hành khảo sát lập những điểm trung chuyển, chờ cẩu rác từ xe gom lên xe chuyên dụng. Tuy nhiên, dù đã tiến hành khảo sát, xin ý kiến của tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể… nhưng chỉ được vài hôm, các điểm trung chuyển trên lại phát sinh “vấn đề” do sự phản đối của người dân sinh sống trong khu vực, đặc biệt là các hộ kinh doanh.

Để hài hòa lợi ích giữa các bên, tại nhiều nơi, chính quyền sở tại đã bố trí các ô đất công, khu vực đất dự án chưa triển khai xây dựng, khu vực vắng người qua lại… làm điểm trung chuyển rác tạm thời. Thế nhưng, việc tìm ra vị trí đáp ứng các tiêu chí làm điểm trung chuyển rất khó, đặc biệt ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… Do vậy, một số địa điểm công cộng như nhà văn hóa, điểm chờ xe buýt… tại một số quận đã bị biến thành nơi tập kết, trung chuyển rác thải.

Cần sự chia sẻ của người dân

Ông Đỗ Ngọc Anh – Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy) cho biết, trong những năm qua, công tác thu gom rác, đảm bảo VSMT là một trong những nhiệm vụ được các lực lượng chức năng từ quận, đến phường quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, việc bố trí các điểm trung chuyển rác từ xe gom lên xe chuyên dụng là không đơn giản. Ông Ngọc Anh chia sẻ: Cái khó nhất là đả thông được tư tưởng của người dân, đặc biệt với các hộ lân cận điểm tập kết, vì không ai muốn ngay trước cửa nhà mình có một điểm tập kết, trung chuyển rác thải. Trong khi đó, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, việc tìm được các điểm trung chuyển hài hòa được tất cả các bên rất khó, nhất là ở các khu làng xóm cũ đông dân cư, hạ tầng còn nhiều bất cập.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, để khắc phục những bất cập trên, UBND quận đã yêu cầu đơn vị thu gom rác và chính quyền các địa phương khi tổ chức lập các điểm trung chuyển phải tổ chức lấy ý kiến của tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể cơ sở. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức tập kết chờ thu gom, UBND quận đã yêu cầu các đơn vị thu gom rác phải có trách nhiệm giữ vệ sinh chung, tổ chức dọn dẹp, rửa đường hàng ngày, phun thuốc định kỳ… nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra.

Lãnh đạo một số quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ cũng thừa nhận, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc tập kết tạm chờ, trung chuyển rác khó tránh khỏi những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tình hình trật tự ATGT trong khu vực. Do vậy, lãnh đạo các quận, huyện và đơn vị thu gom rác thải luôn luôn mong muốn có sự chia sẻ, đồng hành của các cá nhân, tổ chức trong khu vực để công tác đảm bảo VSMT đem lại hiệu quả bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần