Bất chấp lo ngại, Nga ra mắt lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới

Hương Thảo (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lò phản ứng Akademik Lomonosov sẽ trải qua hành trình vận chuyển 5.000km xuyên Bắc Cực vào hôm nay (23/8).

Ảnh chụp Akademik Lomonosov vào tháng 5/2018 với màu nâu cũ. Hiện nó đã được sơn lại bằng 3 màu đỏ, trắng và xanh theo quốc kỳ Nga. 
Theo Cơ quan hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, lò phản ứng mới này là một giải pháp thay thế đơn giản hơn để xây dựng một nhà máy thông thường trên địa chất bị đóng băng quanh năm. Nga cũng dự định sẽ xuất khẩu các lò phản ứng tương tự ra các nước.
Akademik Lomonosov nặng 21.000 tấn, có 2 lò phản ứng với công suất 35MW/cái, gần bằng với những lò được sử dụng trên tàu phá băng hạt nhân. Phi hành đoàn gồm 69 người và di chuyển với tốc độ 3,5 - 4,5 hải lý.
Được nạp nhiên liệu hạt nhân, Akademik Lomonosov sẽ rời cảng Murmansk ở Bắc Cực để đến phía Đông Bắc Siberia, trong khoảng thời gian từ 4-6 tuần tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và lượng băng trên đường.
Lò phản ứng dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, chủ yếu phục vụ các nền tảng dầu mỏ của khu vực khi Nga phát triển việc khai thác "vàng đen" ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, nhiều nhóm hoạt động môi trường từ lâu đã cảnh báo về sự mạo hiểm của dự án lò phản ứng nổi này, khi đặt tên cho nó là "một Chernobyl trên băng tiềm năng" hay là "một Titanic hạt nhân".
"Bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào cũng tạo ra chất thải phóng xạ và có thể gặp sự cố, bao gồm do thiên tai", Rashid Alimov, lãnh đạo lĩnh vực năng lượng của Greenpeace Russia nói với AFP. Và vì Rosatom có ​​kế hoạch lưu trữ nhiên liệu đã sử dụng trên tàu, ông Alimov lưu ý: "Bất kỳ tai nạn nào liên quan đến số nhiên liệu này đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mỏng manh của Bắc Cực".
"Hiện không có cơ sở hạ tầng để làm sạch hạt nhân trong khu vực", ông Alimov giải thích.
Sự ra mắt của Akademik Lomonosov còn diễn ra đúng vào thời điểm chỉ ít ngày sau một vụ nổ gây chết người tại điểm thử nghiệm quân sự ở phía Bắc nước Nga - đã tạo ra sự gia tăng phóng xạ nhất định và khiến nhiều bên lo ngại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần