Bất động sản bán lẻ cần thích ứng với xu thế mới

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thay đổi về kinh tế và khoa học công nghệ đang làm thay đổi hành vi sử dụng thời gian và tiền bạc của con người. Từ đó các điểm bán lẻ cũng được thay đổi về bản chất, tạo ra thách thức cho các chủ mặt bằng và đơn vận hành, trước xu thế mới, thị trường bất động sản (BĐS) cũng cần phải có sự thay đổi để thích ứng.

Tác động của cách mạng công nghệ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và có sự tác động đến mọi lĩnh vực. Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ đang âm thầm diễn ra và tạo nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam với những thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số.
Các cửa hàng bán lẻ truyền thống có một sự bất tiện là phải tự vận chuyển hàng hóa về nhà dù chúng nặng hay nhẹ… Nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ bán lẻ thì loại hình mua sắm trực tuyến chỉ với một cú click chuột là món hàng bạn chọn sẽ được giao tận nơi dần trở nên phổ biến. Có thể nói đó là một bước chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, những điều đó đã mang lại một lợi ích không hề nhỏ cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tại các địa điểm tập bán lẻ tập trung trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc tích hợp các mô hình giải trí truyền thống như: ăn uống (F&B), phòng thập thể thao, rạp chiếu phim... thì cũng đã được tích hợp công nghệ mới, như: công nghệ ảo (VR), thể thao điện tử (esports), hay các hệ thống điện tử tương tác khác.
Một nghiên cứu của quỹ đầu tư mạo hiểm thông qua hệ thống PitchBook, từ năm 2013 đến này, tổng chi phí đầu tư vào F&B ở mức 58,2 tỷ bảng Anh, nhưng hiện đang có dấu hiệu chững lại. Các hoạt động giải trí thể thao cũng đã thu hút được 31,8 tỷ bảng Anh. Trái lại, mảng ghi nhận mức vốn đầu tư tăng vọt là các mô hình giải trí mới đang dần được tích hợp vào không gian thực. Phân khúc này đã thu hút được 19,8 tỷ từ năm 2013.
Với các trung tâm thương mại ở Mỹ, châu Âu và châu Á, làn sóng mở rộng này đang dần thay thế các đơn vị bán lẻ mỏ neo (thường là các đơn vị lớn nhằm thu hút đa dạng khách hàng đến với trung tâm thương mại) truyền thống bằng các mô hình giải trí mới. Những ý tưởng mới hấp dẫn hiện đang thu hút khách hàng đến với trung tâm thương mại, và các chủ mặt bằng ngày càng ghi nhận việc cần đầu tư thêm vào lĩnh vực giải trí để biến trung tâm của mình thành một điểm đến.
BĐS cần thích ứng với xu thế mới
Bán lẻ tại Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, minh chứng là Việt Nam hiện xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới. Giới đầu tư đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như: niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.
Thêm vào đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện chỉ ở mức 0,26 và 0,12m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư BĐS bán lẻ cần phải có sự tính toán chi tiết, cụ thể, đặc biệt là phải tập trung vào việc nghiên cưu thị hiếu của khách hàng, vì đây không phải là thời điểm cứ xây dựng lên thì sẽ có đơn vị bán lẻ đến thuê.
 BĐS bán lẻ cần phải tích hợp các tiện ích công nghệ để thu hút khách hàng.
“Để tồn tại các dự án bất động sản bán lẻ mới cần phải đưa ra các thiết kế và tiện ích mới mẻ, trong đó có các mô hình tân tiến và sáng tạo để thu hút khách hàng như các hoạt động giải trí, công viên giải trí, biển đổi cơ cấu khách thuê” - ông Matthew Powell nói.
Xu hướng tích hợp công nghệ tại các trung tâm mua sắm đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Một xu hướng mạnh mẽ hiện nay là giao tiếp xã hội có tính cạnh tranh. Trong xu hướng này, mối quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm vào các hoạt động như golf trong thành phố, nhập vai giải đố (escape room), bóng bàn, phi tiêu và các trò chơi điện tử truyền thống đang phản án nhu cầu kết hợp ăn uống và các hoạt động xã hội của khách hàng.
Với các chủ mặt bằng, đây là cơ hội để thu hút các thương hiệu thử nghiệm nhỏ với yêu cầu đầu tư vốn ban đầu không quá lớn hoặc quá nhiều diện tích mặt bằng, các chủ mặt bằng đang tìm các hoạt động giải trí tập trung vào điểm đến để thuê mặt bằng trống trong dự án của mình.
Mặc dù sự gia nhập của các mô hình mới đang lan rộng nhưng việc dành mặt bằng cho các hoạt động giải trí vẫn đang vấp phải một số thách thức. Nhiều mô hình hiện chưa được thử nghiệm, và câu chuyện về tuổi thọ của những mô hình này vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Việc lắp đặt trang trí mặt bằng thường đòi hỏi các hợp đồng thuê kéo dài để cân đối với chi phí.
Theo thời gian, mỹ quan mặt bằng bán lẻ trong mắt khách hàng có thể không còn hấp dẫn. Tuy vậy, điều này cũng có thể là động lực để các chủ mặt bằng sáng tạo hơn trong chiến lược cho thuê, tăng tính linh hoạt thông qua cơ cấu thay đổi khách thuê và liên doanh với đơn vị vận hành.
“Tương lai họ sẽ là những con người của kỷ nguyên công nghệ, với thời đại của smartphone, facebook hay những tiện ích công nghệ khác. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng; các dự án bất động sản bán lẻ vì vậy cũng cần phải thích ứng để không bị đào thải” - ông Matthew Powell cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần