Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng thời kỳ hậu Covid-19

Bài & Ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Đây là nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà tại Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam 2020 - lần thứ II, do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm nay (19/6).
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà phát biểu tại Diễn đàn.
Chuyển hướng tích cực
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong năm 2019 vừa qua, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp (KCN) và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.
Bằng chứng là bất chấp những khó khăn chung của thị trường và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Dự báo, trong trung và dài hạn, thị trường BĐS công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn 2020 và thời gian tới.
“Có thể hình dung ra những bước khởi đầu và xoay chuyển theo hướng tích cực hơn của thị trường BĐS công nghiệp. Tuy nhiên, để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, cần hướng đến giải quyết một số vấn đề được đặt ra” - ông Hà cho hay.
Vẫn cần giải quyết sớm những tồn tại, khó khăn
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong thời gian vừa qua, lĩnh vực BĐS đóng góp 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; Tổng thu liên quan đến bất động sản khoảng 11% trong tổng thu ngân sách, tương đương gần 3% GDP; Thị trường BĐS phát triển đã kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng (kinh nghiệm của thế giới cho thấy, cứ đầu tư phát triển 1m2 nhà ở thì cần từ 17 - 25 công lao động); Đầu tư 1 USD vào BĐS thu hút thêm được 1,5 - 2 USD vốn xã hội tham gia (tỷ lệ khoảng 200%).
Bất động sản công nghiệp nhiều cơ hội phát triển sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đơn cử, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 - 2019), thị trường BĐS có xu hướng chững lại ở một số phân khúc. Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án BĐS chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng.
“Hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và hàng trăm nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành” - ông Hà cho biết thêm.

Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Minh Ngọc cho biết, ngoài việc phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau, còn có khoảng trên 20.000 các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khiến cho quá trình đầu tư, xây dựng của DN bị chậm trễ.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào BĐS KCN cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng với đó là việc đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và các công trình phúc lợi cho công nhân…

“Quan trọng hơn cả là hệ thống chính sách và thủ tục hành chính cần được tinh giản, rút gọn hơn để rút ngắn thời gian cấp phép, giảm chi phí phát sinh cho DN” - ông Ngọc nhìn nhận.