Bất động sản công nghiệp tại Hà Nội: Nhiều tiềm năng, lắm thách thức

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 5 tháng đầu năm 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 5,3 tỷ USD.

Sự tăng trưởng về nguồn vốn FDI đang mang lại nhiều tiềm năng phát triển cho phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp tại Hà Nội.
Nhiều cơ hội
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội, trên địa bàn TP đang phát triển 19 KCN, khu công nghệ cao, với tổng diện tích quy hoạch gần 5.250ha. Cùng với đó là 110 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 3.000ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN ở thời điểm hiện tại đạt trên 80%.
Sự tăng trưởng đột biến về thu hút FDI từ đầu năm đến nay đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các khu, cụm công nghiệp của Hà Nội. Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội Phạm Khắc Tuấn cho biết, thời gian gần đây, Ban đang tập trung giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch cho DN, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đăng ký đầu tư.
 Khu Công nghiệp Phú Nghĩa - Hà Nội.  Ảnh: Nguyên Dương
Nhưng một trong những thách thức lớn nhất là quỹ đất trong KCN không còn nhiều, chỉ còn một số KCN như Quang Minh, Phú Nghĩa, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội... là còn hạ tầng để phục vụ thu hút đầu tư.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty Dịch vụ BĐS Colliers International (Mỹ), đến cuối năm 2020, dự kiến sẽ có thêm khoảng trên 6.000ha diện tích từ các khu, cụm công nghiệp mới được thành lập của Hà Nội đi vào hoạt động, sẽ giúp cho nguồn cung tăng đáng kể. Cũng theo đơn vị này, giá cho thuê đất tại các KCN của Hà Nội tăng đều qua từng năm, với mức tăng bình quân từ 3 - 5%/năm.
Ông Nguyễn Tuấn Minh - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, những tín hiệu tích cực từ công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - CPI cùng với nhiều dự án khu, cụm công nghiệp mới đang được triển khai, khởi công trong thời gian tới sẽ tiếp tục đưa Hà Nội trở thành địa điểm cho thuê KCN lý tưởng ở miền Bắc.
Nhiều tập đoàn lớn trong nước, quốc tế đã và đang tham gia tích cực vào quá trình đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội, có thể kể đến như Sumitomo (Nhật Bản), Daewoo (Hàn Quốc), Công ty Dịch vụ công nghiệp Hanel, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam... Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh cần thiết cho sự phát triển của phân khúc BĐS công nghiệp tại Hà Nội.
Mở rộng xã hội hóa đầu tư
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang không ngừng phát triển để trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, khiến thị trường BĐS công nghiệp đang tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
“Sự dịch chuyển địa bàn sản xuất từ những tập đoàn lớn của quốc tế đã mở ra thêm nhiều cơ hội cho BĐS công nghiệp. BĐS công nghiệp được nhận định là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019 cũng như trong trung và dài hạn” - ông Nam nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung nhận định, sức hấp dẫn của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam hiện cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy, bởi các yếu tố như chi phí sản xuất thấp (dưới 1 USD/giờ - thấp nhất trong ASEAN), chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất DN được ưu đãi...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang nỗ lực nhằm kích cầu đầu tư. Một trong số đó là việc đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công trong quý I/2019 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù BĐS công nghiệp của Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển nhưng thực tế đang gặp nhiều thách thức, bất cập. Đơn cử như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, định hướng chính sách của Nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng, đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển... Ngoài ra, phát triển công nghiệp của Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại, một trong những nguyên nhân chính là do diện tích các khu công nghiệp đã được lấp đầy.
Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Minh, để nắm bắt được thời cơ này, Hà Nội cần phải có sự thay đổi về tư duy quản lý và điều hành. Trong đó tập trung quản lý theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, minh bạch hóa thông tin thị trường với chính sách dài hạn, ổn định, tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho nhà đầu tư. Trong quá trình phát triển BĐS công nghiệp cần đặc biệt quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường như xử lý nước thải, khí thải...
“Một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải mở rộng thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong quá trình đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Hà Nội cũng nên cân nhắc việc xây dựng quy chế yêu cầu nhà đầu tư phải có cam kết xây dựng nhà ở cho công nhân khi vào đầu tư để tránh những sức ép lên hệ thống hạ tầng” - ông Minh cho hay.

"Chiến tranh thương mại của các cường quốc trên thế giới đang là cơ hội tốt cho Việt Nam, việc các nhà đầu tư chuyển dịch địa bàn sản xuất sẽ mang những sản phẩm BĐS mới phát triển như công nghiệp, thương mại. Nếu tận dụng được cơ hội này thì triển vọng BĐS công nghiệp, BĐS thương mại rất lớn." - GS.TSKH Đặng Hùng Võ