Bất động sản du lịch: Bức tranh tương phản ba miền

Doãn Thành – Quang Hải – Tiểu Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về du lịch đứng top đầu khu vực, có lợi thế đường biển dài trên 3.000km, với nhiều bãi biển và danh thắng đẹp, là mảnh đất đầy tiềm năng cho nhà đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại bức tranh về thị trường BĐS du lịch lại có sự tương phản giữa ba miền.

Nếu như ở thị trường miền Bắc, các dự án BĐS nghỉ dưỡng đang tập trung mạnh ở các tỉnh vùng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh; thì ở khu vực phía Nam vốn có lợi thế về du lịch biển, có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp. Trái ngược với sự phát triển của hai đầu cầu, tại miền Trung các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng có thanh khoản chậm vì tính pháp lý của nhiều dự án chưa thực sự rõ ràng.
Khách hàng tìm hiểu dự án bất động sản tại TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thị trường miền Bắc: “Sóng” dồn tỉnh lẻ

Nếu như trước đây, thị trường BĐS khu vực phía Bắc chỉ được tập trung chủ yếu tại Hà Nội – nơi có hạ tầng giao thông và đô thị phát triển đồng bộ. Sau nhiều năm, do tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, quỹ đất Hà Nội ngày càng trở nên hạn hẹp, các chủ đầu tư dần tìm đến những vùng đất khác để mở ra cơ hội phát triển mới. Những vùng đất nào giàu tiềm năng sẽ là nơi được nhắm đến và trở thành điểm dừng chân của các chủ đầu tư.
Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ước tính với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, BĐS nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.

Hải Phòng, Quảng Ninh được xem là thị trường mới nổi của BĐS miền Bắc. Theo một số chuyên gia nhận định, đây sẽ là “những con rồng” mới của thị trường BĐS miền Bắc, đồng thời cũng sẽ là những miền đất hứa dành cho các nhà đầu tư. Đây là hai tỉnh, TP nắm giữ thế mạnh để khai thác dịch vụ biển, các loại hình BĐS phát triển tương thích là dòng sản phẩm condotel, resort. Trong đó, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang được xem là “thiên đường” nghỉ dưỡng tại miền Bắc. Nhờ hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, khiến cho Quảng Ninh vươn lên xếp thứ hai miền Bắc (sau Hà Nội) về tăng trưởng của thị trường BĐS. Với các dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, như Sun Premier Village Ha Long Bay, Best Western Plus Ha Long Bay Hotel, Dự án The Sapphire Residence, FLC HaLong Bay Golf Club & Luxury Resort, Tuần Châu Marina... cùng nhiều dự án tầm cỡ chuẩn bị được triển khai, đã mang đến diện mạo khởi sắc cho thị trường BĐS du lịch tại địa phương này.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết, Hạ Long là một trong 7 kỳ quan của thế giới, có tác động lớn đến thu hút khách du lịch. Theo tất yếu, khi có khách du lịch thì phân khúc nghỉ dưỡng cũng phát triển theo, đó là lý do khiến cho BĐS du lịch Quảng Ninh bứt phá trong thời gian gần đây. “Tuy nhiên, có một khó khăn đó là tính pháp lý của dòng sản phẩm condotel hiện nay chưa được rõ ràng khiến cho nhiều khách hàng còn dè chừng khi đầu tư vào đây” - ông Vũ Cương Quyết cho hay.

Cùng đó, các địa bàn như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình... nhiều “đại gia” đã nhập cuộc đầu tư, khiến cho thị trường tại khu vực sôi động trở lại. Đơn cử như: Dự án Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng; dự án nghỉ dưỡng sinh thái FLC Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc) giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD; dự án sinh thái nghỉ dưỡng tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Thị trường càng sôi động hơn khi mới đây Tập đoàn Sun Group quyết định đầu tư dự án mới tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Theo ông Vũ Đức Khuê - Hiệp hội BĐS Việt Nam, số lượng khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình trước đây là rất khiêm tốn. Nhưng với sự nhập cuộc của các “đại gia” sẽ giúp cho phân khúc BĐS sinh thái - nghỉ dưỡng tại Hà Nội và vùng ven có cơ hội phát triển hoàn hảo hơn. “Lợi thế của du lịch nghỉ dưỡng ở vùng ngoại ô là chi phí rất thấp, đi lại thuận tiện, thời gian di chuyển ít, phù hợp với những gia đình có con nhỏ và đặc biệt phù hợp với những kỳ nghỉ ngắn ngày” - ông Khuê nói.
 TP Đà Nẵng luôn có sức hút với các dự án bất động sản.

Thị trường miền Trung: Giao dịch dè chừng

Trong vòng hai năm trở lại đây, thị trường BĐS Đà Nẵng luôn có những “cơn sốt”, nhưng chỉ ở phân khúc đất nền, đặc biệt là đất nền dự án. Ngay như giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2019, đất nền Đà Nẵng liên tục gây “náo loạn” thị trường, song BĐS nghỉ dưỡng giao vẫn dịch trầm lắng. Thế nhưng, theo thống kê của CBRE trên địa bàn Đà Nẵng, thị trường condotel và tourist villa đã tăng trưởng âm trong nửa cuối 2018. Cụ thể là giảm tới 1,5 lần so với cùng kỳ 2017, về cả số lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm. Chính vì thế, nhiều người kỳ vọng trong năm 2019, thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng sẽ có sự phát triển vượt bậc.
Từ cuối năm 2018, phân khúc condotel Đà Nẵng đã tạo nguồn cung tích lũy lên 8.601 căn. Năm 2019, Đà Nẵng có thêm 6.500 căn hộ khách sạn mới được xây dựng để đưa ra thị trường. Do đó, thị trường BĐS năm 2019 tại Đà Nẵng đặt ra nhiều thách thức cho phân khúc condotel.

Qua khảo sát cho thấy, những căn hộ condotel rao bán đang có vị thế rất đẹp thuộc các dự án nằm trên những trục đường đắc địa của Đà Nẵng như đường Võ Nguyên Giáp hướng ra bãi biển hay đường Trần Hưng Đạo, đường Như Nguyệt hướng ra sông Hàn… Giá mỗi căn hộ condotel dao động từ 2 - 4 tỷ đồng tùy vào diện tích và vị trí. So với thị trường đất nền, mức giá này khá phù hợp nhưng giao dịch căn hộ condotel vẫn chưa sôi động. Trong khi đó, loại hình lưu trú homestay đang chớm phát triển, chủ yếu hình thành nhiều ở các khu vực ven biển thuộc các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, hiện nay, các dự án đầu tư condotel và tourist villa vẫn đang phát triển nhanh về số lượng lẫn quy mô trên địa bàn. Đây là thực tế tất yếu bởi Đà Nẵng đang phát triển nhanh về đô thị, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, du lịch không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, loại hình BĐS này vẫn chưa có được quy định, điều chỉnh cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, kinh doanh BĐS và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng. Thực tế này đã đem đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời cũng gây ra những yếu tố bất an cho cả nhà đầu tư và các khách hàng. Hay nói cách khác, hành lang pháp lý cho sản phẩm condotel và biệt thự nghỉ dưỡng chưa hoàn chỉnh, khiến khách hàng vẫn còn dè chừng trong quyết định đầu tư vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng của Đà Nẵng.
Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Chiến Công
Thị trường TP Hồ Chí Minh: Hạng sang “dậy sóng”

Theo các chuyên gia BĐS, với sự hoàn chỉnh về hệ thống giao thông nội bộ và liên tỉnh, cùng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao theo mức sống của người dân, đã góp phần thúc đẩy thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, như Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… phát triển mạnh mẽ.

Mới đây nhất là trường hợp một DN nước ngoài làm việc với chính quyền tỉnh Đồng Nai nhằm tìm hiểu và mong muốn đầu tư một dự án nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD vào TP Biên Hòa. Cùng đó, một đoàn khác gồm 14 công ty địa ốc lớn từ nhiều quốc gia khác nhau thể hiện mong muốn được hợp tác phát triển một khu phức hợp nghỉ dưỡng rộng hơn 200ha nhằm đón đầu cơ hội thị trường khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Theo số liệu khảo sát của Savills Việt Nam, trong năm 2018, có 75 dự án khách sạn và resort thuộc phân khúc 4 - 5 sao được đưa vào hoạt động tại 6 điểm đến ven biển chính của Việt Nam, cung cấp hơn 15.900 phòng cho thị trường, chiếm đến 24% tổng nguồn cung hiện tại. Trong giai đoạn từ 2019 - 2022 ước tính sẽ có thêm 45.600 phòng được đưa vào hoạt động, tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các dự án tiêu chuẩn truyền thống.

Với lợi thế tương tự Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu bỗng “được mùa” dự án nghỉ dưỡng khi trong một thời gian rất ngắn xuất hiện hàng loạt đại gia địa ốc toan tính rót vốn đầu tư vào đây. Chẳng hạn, Tập đoàn Tuần Châu, FLC, Novaland, DIC, Hưng Thịnh Corp… đều đang tìm kiếm quỹ đất cho các dự án khu nghỉ dưỡng siêu sang rộng hàng trăm hecta. Điển hình nhất vẫn là "hiện tượng" Tập đoàn Novaland chuyển hướng đầu tư sang mô hình dự án nghỉ dưỡng khép kín hợp túi tiền khi tiến vào TP Cần Thơ. Song song đó, Novaland cũng đang triển khai đầu tư một siêu dự án rộng gần 1.800ha tại Mũi Né và dự án NovaHills ngay thiên đường nghỉ dưỡng Phan Thiết.

Được biết, dự án NovaHills dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2020, mặc dù có mức giá khá cao, khoảng 9 tỷ đồng/căn, tuy nhiên mức độ tiêu thụ vẫn rất tốt, do mức giá này được đánh giá vẫn đảm bảo tính cạnh tranh so với các thị trường BĐS nghỉ dưỡng kỳ cựu. Bên cạnh đó, Tập đoàn Novaland còn tham vọng đầu tư dự án khác mang tên NovaWorld quy mô 100ha tại Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Theo kế hoạch, dự án này phát triển kết nối với nhiều tiện ích ngoại khu hiện hữu (casino, suối nước nóng, sân gofl…) và chuỗi dự án NovaWorld liền kề trong tương lai.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sở dĩ ngày càng nhiều DN BĐS “bán chuyên” nhảy vào thị trường nghỉ dưỡng là do sức hút của tỷ suất lợi nhuận trong phân khúc này cao. Đặc biệt là khi ngành du lịch đang ghi nhận sức tăng trưởng mạnh với lượng khách du lịch đổ vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Được đánh giá là “miền đất hứa” đầy tiềm năng cho sự phát triển trong dài hạn, nhưng để đứng vững trong phân khúc này không phải là điều đơn giản.

Các DN chưa lường hết được những rủi ro có thể gặp phải, bởi hiện nay cơ sở pháp lý của các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng chưa rõ ràng. Do đó, cả khách hàng và nhà đầu tư vẫn cần phải cẩn trọng. Điều này cũng là một trong những yếu tố khiến cho thị trường condotel thời gian gần đây có phần chững lại.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế cũng là một thách thức lớn, TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các Nhà quản trị DN Việt Nam cho biết: BĐS nghỉ dưỡng đang gặp những khó khăn lớn vì thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành được các dự án BĐS nghỉ dưỡng rất đặc thù và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao. Ngoài ra, việc có quá nhiều chủ đầu tư cùng “nhảy” vào một phân khúc cũng đồng nghĩa với việc các dự án và chính các DN sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau để dành thị phần trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trước đây chỉ tập trung vào BĐS nhà ở, nay đẩy mạnh đầu tư vào BĐS du lịch, đang tạo nên một làn sóng phát triển sôi động nhất từ trước đến nay ở tất cả các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng.

Chủ tịch Hội các Nhà quản trị DN Việt Nam, TS Hàn Mạnh Tiến
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng sẽ phát triển sôi động, bởi đây là TP du lịch, lấy du lịch làm mũi nhọn kinh tế. 5 năm qua, tăng trưởng ngành du lịch luôn đạt trên 2 con số, chứng tỏ Đà Nẵng có sức hút rất lớn với du khách.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS Đà Nẵng Nguyễn Đức Lập
Việt Nam đang tiến tới một thực tế mới, trở thành một phần trong xu thế phát triển BĐS nghỉ dưỡng của châu Á và thế giới. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho các DN nước ngoài khi chọn đầu tư vào đây.

Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group Adam Bury