Bất động sản du lịch năm 2020: Còn nhiều tiềm năng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, cùng với sự giảm sát chung của toàn thị trường, phân khúc bất động sản (BĐS) du lịch đã bị giảm sút mạnh. Dự báo trong năm 2020, phân khúc BĐS du lịch sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Thị trường đi xuống
Theo số liệu thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong năm 2019, phân khúc BĐS du lịch đã tiếp tục đà giảm sút từ năm 2018. Riêng đối với sản phẩm condotel trong năm chỉ đưa ra thị trường trên 18.400 sản phẩm (giảm khoảng 8% so với năm trước đó), tỷ lệ hấp thụ thành công đạt khoảng 36%, còn lại 64% là sản phẩm bị tồn kho, không thể giao dịch. Riêng trong quý IV/2019 chỉ có trên 190 sản phẩm được giao dịch thành công.
Lý giải về nguyên nhân đi xuống của phân khúc này, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyên Văn Đính cho biết, những vấn đề về pháp lý chưa rõ ràng nên chưa thực sự tạo sự yên tâm cho người dân khi tham gia đầu tư. Cùng với đó là tín dụng đầu tư bị siết chặt, nhiều dự án phải tạm dừng để thanh tra khiến nguồn cung giảm, khả năng thanh khoản kém hấp dẫn nhà đầu tư.
 Khách tham quan phối cảnh một dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Hùng
“Việc Nhà nước quy định người nước ngoài chưa được tham gia mua dòng sản phẩm này như nhà ở, khiến cho nguồn khách bị giảm đáng kể. Đến cuối năm 2019 xảy ra sự việc của dự án Cocobay Đà Nẵng khiến cho nhà đầu tư thứ cấp có tâm lý e ngại, dẫn đến sự giảm sút về giao dịch, giao dịch quý IV/2019 thấp nhất trong năm” – ông Đính cho hay.
Năm 2019 cũng ghi nhận giá bán các sản phẩm condotel cũng bị giảm sút mạnh, theo đó giá bán bình quân trong năm là 35 triệu đồng/m2, năm 2018 giá bán bình quân là 40 triệu đồng/m2. Đối với dòng sản phẩm biệt thự, villa nghỉ dưỡng trong năm 2019 lại chứng kiến sự tăng trưởng khả quan hơn. Trong năm có 14 dự án mới được mở bán với gần 2.600 căn biệt thự biển, tăng gấp 3 lần so với năm 2018, tỷ lệ hấp thụ đạt 77% tăng gấp 5 lần so với năm trước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang)...
Sẽ sớm vượt qua khó khăn
Cũng theo ông Đính, trong 5 năm trở lại đây, số lượng BĐS du lịch nghỉ dưỡng hàng năm được tiêu thụ rất mạnh, các dự án được phát triển bắt đầu có sự bùng nổ, đặc biệt là tại các vùng có lợi thế cảnh quan, ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Đặc biệt, trong năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng ở con số kỷ lục, đạt 18 triệu lượt khách, đây là tiền đề quan trọng cho BĐS du lịch phát triển.
“Thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Bởi vậy, những vùng đất sáng giá về du lịch vẫn tạo hấp lực mạnh với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn” – ông Đính cho biết thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Thành cho biết, trong năm 2020, phân khúc BĐS du lịch vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, do số lượng khách du lịch tăng nhanh, các nhà phát triển BĐS cũng có xu hướng nhắm tới nhu cầu này. Cùng với đó là chính sách của Nhà nước coi phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế về du lịch biển tập trung thu hút đầu tư vào du lịch rất nhiều.
“Nhưng trong năm 2020 phân khúc này sẽ còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách phát triển BĐS du lịch của Nhà nước. Việc sửa đổi pháp luật về đất đai sẽ được trình Quốc hội vào giữa năm nên vẫn phải chờ. Trong khi đó câu chuyện pháp lý cho condotel dự kiến cũng hoàn thành trong năm nay nhưng tôi nghĩ nó sẽ còn kéo dài và chưa thể hoàn tất trong thời gian ngắn” – ông Thành nhận định.

"BĐS du lịch với một số hình thức căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng luôn là điểm đến thu hút và tiềm năng rất lớn trong giai đoạn ngắn và dài hạn. Trong thời gian tới sẽ xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn, cẩn thận tính toán, cân nhắc hơn, địa điểm phong phú hơn ở các tỉnh tiềm năng và các loại hình đầu tư cũng sẽ đa dạng hơn." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Khởi