Bất động sản - kênh đầu tư trú ẩn an toàn?

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù dịch Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến toàn nền kinh tế nhưng các chuyên gia cho rằng, bất động sản (BĐS) vẫn là kênh đầu tư an toàn, mang lại lợi ích lâu dài...

Kênh đầu tư dài hạn
Anh Nguyễn Minh – trú tại khu chung cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh mới chốt hợp đồng mua một căn hộ du lịch tại khu vực Ba Vì (Hà Nội) với mục đích đầu tư lâu dài, bởi hiện nay xu thế đi nghỉ dưỡng cuối tuần ở vùng ven đô của các gia đình tại đô thị rất lớn. Do thuận tiện giao thông nên gia đình có thể tự lái xe đi.
“Giá vàng tương đối cao nên tôi không đầu tư vào thị trường này nữa. Tôi quyết định mua một căn hộ du lịch ở ngoại thành Hà Nội trước hết là để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, sau đó mới tính chuyện kinh doanh” – anh Nguyễn Minh cho hay.
 Bất động sản khu nghỉ dưỡng tại Lương Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Mai Vân
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, ngân hàng, đối với những người sợ rủi ro thì chọn gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng mức lợi nhuận không cao, chỉ từ 3 - 4%/năm. Những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để thu được lợi nhuận cao hơn sẽ lựa chọn những kênh đầu tư như vàng, chứng khoán và BĐS.
“Vẫn nhiều nhà đầu tư rót vốn vào vàng nhưng thị trường kim loại quý này đã qua thời kỳ lướt sóng; trong khi chứng khoán không phải ai cũng có thể đầu tư được vì cần sự quản lý và tính toán chặt chẽ. Có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn nhưng theo tôi BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn cho trung và dài hạn” – TS Cấn Văn Lực nhận định.
Sân chơi không dành cho người ít tiền
Phó Chủ tịch HĐQT Việt Mỹ Group Nguyễn Thị Liễu cho biết, hiện nay, nhóm người có thu nhập khá trở lên sống tại các đô thị lớn có xu thế tìm một không gian để nghỉ ngơi trước những áp lực về hạ tầng, ô nhiễm, khói bụi... Họ mong muốn được hưởng không gian thoáng đãng, trải nghiệm thực tế và đi kèm với các dịch vụ tiện ích cao cấp, song phải tiện đường đi lại với nơi đang sinh sống. Hiện nay, nhiều dự án khu vực nghỉ dưỡng ngoại thành hoặc một số tỉnh lân cận đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này.
“Theo tôi sản phẩm nghỉ dưỡng núi và ven đô có nhiều tiềm năng phát triển, dự báo sẽ dẫn dắt thị trường nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Các chủ đầu tư mới chỉ tập trung vào du lịch biển và phân khúc nhà ở tại đô thị mà chưa có nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng ven đô cao cấp” – bà Nguyễn Thị Liễu nhận định.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận, về trung và dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt, an toàn và có dư địa lớn. Chưa có cuộc khủng hoảng nào mà BĐS giảm giá, ngược lại luôn giữ giá và tăng bình quân từ 5 - 7%/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, những nhà đầu tư ít vốn cần phải tính toán kỹ lưỡng, nếu phải đi vay ngân hàng nhiều sẽ khó trụ vững.
“BĐS là kênh đầu tư dài hạn, không phù hợp với những người có ít vốn, đặc biệt là trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay. Nhưng nếu ít tiền và phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì chưa nên tham gia đầu tư vào BĐS, vì chúng ta chưa thể biết tình hình dịch bệnh đến khi nào được kiểm soát hoàn toàn” – ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

"Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, phân khúc giá rẻ sẽ luôn giữ vai trò điều tiết thị trường, dự báo sẽ chững lại và giảm nhẹ về số lượng giao dịch. Phân khúc trung cấp được quan tâm hơn. BĐS cao cấp vẫn sẽ gặp khó nhưng ít biến động về giá. Condotel, biệt thự biển không được cấp sổ đỏ lâu dài sẽ thoái trào trong vài năm tới. Thay vào đó, căn hộ dịch vụ và mô hình du lịch trải nghiệm như Homestay, Farmstay, Second-home sẽ lên ngôi." - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group Phạm Thanh Hưng