Bất động sản khu công nghiệp - tâm điểm thu hút đầu tư

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự xuất hiện của những nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là dấu hiệu tích cực đối với phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Thiếu nhà đầu tư
Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, KCN, KKT cả nước thu hút được khoảng 4,3 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 70%, bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành, bên cạnh những tập đoàn lớn, như Samsung, LG, Huyndai, Lotte… đã có nhà máy đặt tại Việt Nam, hiện đang có nhiều nhà sản xuất khác tìm hiểu, hay rục rịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, như Apple, Foxcom, Lenovo, Sharp, Kyocera… “Với sự gia tăng mạnh mẽ về lượng vốn đầu tư FDI có thể thấy BĐS KCN đang trở thành tâm điểm về thu hút đầu tư tại Việt Nam” - ông Thành nhìn nhận.
 Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Có thể thấy, lượng vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT liên tục tăng trưởng đang gây ra những áp lực nhất định đối với nhiều địa phương trong việc bố trí quỹ đất cho hoạt động của các DN. Đơn cử, tại Hà Nội, một trong những “thủ phủ” về phát triển CN cũng đang vướng phải tình trạng này.
Phó Trưởng ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các KCN, khu chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội đều đã được lấp đầy 100%.
Thời gian qua, Hà Nội cũng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch KCN một số huyện, như Sóc Sơn khoảng 300ha, Đông Anh hơn 300ha, Phụng Hiệp (Thường Tín) khoảng 170ha, Quang Minh II (Mê Linh) khoảng 140ha (nhưng đã có 70 DN của tỉnh Vĩnh Phúc vào hoạt động), Phú Xuyên khoảng 70ha giai đoạn I. Nhưng phần lớn mới chỉ nằm trong quy hoạch chưa có quyết định chính thức.
“Hiện nay, TP Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư để xây dựng KCN nhưng đều chưa chính thức được triển khai. Một số địa điểm đã có nhà đầu tư tìm hiểu, như Sóc Sơn, Đông Anh, nhưng một số nơi chưa thể triển khai do phải điều chỉnh quy hoạch, như Quang Minh II. Còn các khu khác vẫn đang trong quá trình kêu gọi chủ đầu tư” - ông Long cho hay.
Nắm bắt cơ hội
Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS - TS Sử Ngọc Khương cho rằng, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều yếu tố tích cực để BĐS KCN phát triển. Đó là sự ổn định về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP đồng đều từ 6,5 - 6,8%/năm; tốc độ đô thị hóa tương đối lớn, hệ thống giao thông phát triển, giá nhân công tương đối rẻ so với các nước trong khu vực. Quan trọng hơn cả, Việt Nam là một trong những nước có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại.
“Đó đều là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực BĐS công nghiệp. Thêm nữa, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, giúp cho các nhà đầu tư có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội. Rồi hiệu ứng từ xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc những năm gần đây nên có thể nói, Việt Nam sẽ là điểm đến ưu tiên hàng đầu” - ông Khương nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Huy Thành cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với quốc tế, mang lại rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các KCN, KKT.
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương, xây dựng cơ chế ưu đãi hơn nữa về thuế, chính sách đất đai phù hợp với thông lệ quốc tế; loại bỏ thủ tục chồng chéo liên quan đến Luật Đầu tư, Luật DN, đặc biệt phải đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT.
“Với việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi các giá trị toàn cầu, sẽ giúp cho Việt Nam có điều kiện để chuyển đổi sản xuất từ các ngành CN truyền thống sang CN có giá trị cao hơn và cần phải nắm bắt được cơ hội này” - ông Thành nhìn nhận.

Lượng vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT liên tục tăng trưởng đang gây ra những áp lực nhất định đối với nhiều địa phương trong việc bố trí quỹ đất cho hoạt động của các DN. Tại Hà Nội, một trong những “thủ phủ” về phát triển CN cũng đang vướng phải tình trạng này.


Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh

"Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội, ưu thế đẩy mạnh thu hút FDI trong giai đoạn hậu dịch Covid-19. Trước hết, là những thành công trong việc phòng, chống dịch Covid-19; thứ hai, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm thì quý I/2020 Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,8%.

Bên cạnh đó là những lợi thế cạnh tranh đón dòng dịch chuyển đầu tư, sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới…, yếu tố quan trọng để BĐS KCN phát triển. Nhưng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững thì cần phải khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN khi tham gia vào lĩnh vực này và cần hình thành mô hình tập đoàn kinh tế, tập hợp nhiều thành viên, công ty mẹ là hạt nhân liên kết các công ty con. Để tập đoàn mới hình thành nên có cấu trúc đa dạng, có chiến lược kinh doanh toàn cầu, có quy mô, có khả năng cạnh tranh" - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại


Tập trung cải cách hành chính

"Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư vào BĐS KCN, nhưng để làm được điều này cần phải đẩy mạnh công tác lập quy hoạch đất công nghiệp nằm trong tổng thể quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương một cách đồng bộ, công khai để nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt và tham gia sớm. Tiếp đó, tập trung vào thu hút các DN công nghệ cao vì mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, cải cách hành chính…, chủ động nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập, trong đó quan tâm tới các yếu tố như thương hiệu, công nghệ, môi trường, cũng như tác động đến nền kinh tế - xã hội nhằm phát triển KCN theo hướng bền vững" - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam


Tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân

"Thời gian gần đây, việc chuyển dịch đầu tư từ khu vực tư nhân vào hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có hệ thống hạ tầng các KCN, KKT đã có những tác động mạnh đến thị trường BĐS mở ra nhiều cơ hội cho BĐS KCN phát triển. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư vào đô thị hóa cũng có tác động không nhỏ đến quá trình này, vì vậy việc thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng cần được quan tâm nhiều hơn nữa" - Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa


Xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn

"Có một luồng tiền ra nhánh khỏi luồng tiền thông thường đổ vào thị trường BĐS, đó là tư nhân đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Đây chính là những nhà đầu tư vào hạ tầng BĐS KCN, xu thế này phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 đến nay. Tôi khẳng định rằng, trong dài hạn, những tác động này là tích cực.

Thực tế của các nước trên thế giới muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải đầu tư và hạ tầng cơ sở, bởi hệ thống hạ tầng này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT" - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế T.Ư, PGS. TS Trần Kim Chung.