Bất động sản khu vực Hòa Lạc: Có “siêu dự án”, vẫn bình ổn

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Hà Nội công bố quy hoạch “siêu dự án” Khu đô thị Hòa Lạc quy mô 17.274ha tại các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, thị trường bất động sản (BĐS) tại khu vực này vẫn bình ổn, không có sự tăng vọt về giá bán.

Giá bán không tăng
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất Nguyễn Đình Nghi cho biết, sau khi TP Hà Nội công bố quy hoạch, tỷ lệ 1/10.000 Khu đô thị Hòa Lạc, thị trường BĐS tại khu vực này vẫn tương đối ổn định.
“Ở thời điểm cuối năm 2019, giá bán đất nền dao động từ 5 – 6 triệu đồng/m2; sau thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19 giá có tăng nhẹ lên 7 – 8 triệu đồng/m2. Nhưng từ đó đến nay, mức giá này vẫn giữ nguyên, trên địa bàn không có nhiều người đến hỏi mua đất như thời điểm sau Tết Nguyên đán” – ông Nghi cho hay.
Tương tự, tại xã Thạch Hòa - một trong bốn xã của huyện Thạch Thất địa bàn đứng chân của dự án Khu công nghệ cao, dự án Đại học quốc gia Hà Nội và dự án Khu đô thị Hòa Lạc, giá các sản phẩm BĐS cũng chưa tăng sau khi TP Hà Nội công bố quy hoạch khu đô thị Hòa Lạc.
 Nhiều dự án BĐS giáp ranh với khu đô thị Hòa Lạc chưa có người đến ở mặc dù đã hoàn thiện. Ảnh: Doãn Thành
“Trước thời điểm cách ly toàn xã hội vì dịch Covid-19, giá đất nền khu vực này được đẩy lên trên 20 triệu đồng/m2. Nhưng hiện tại giá bán đất nền trong khu tái định cư vào khoảng 15 – 16,5 triệu đồng/m2, bằng với thời điểm cuối năm 2019” – đại diện UBND xã Thạch Hòa cho hay.
Khảo sát thực tế tại các xã, phường thuộc địa bàn huyện Quốc Oai và thị xã Sơn Tây giáp ranh với dự án Khu đô thị Hòa Lạc, giá các sản phẩm BĐS vẫn ổn định. Hoạt động của môi giới tại khu vực này không mạnh do chính quyền địa phương tích cực thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.
Cẩn trọng với chiêu thổi giá
Chị Nguyễn Thị Tuất – một người làm môi giới nhà đất tại địa chỉ cầu chui dân sinh số 15 Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) cho biết, sau khi TP Hà Nội công bố quy hoạch dự án Khu đô thị Hòa Lạc, giá BĐS ở đây vẫn bình ổn, vì thực tế giá bán đã cao hơn so với thị trường từ thời điểm trước.
“Trước khi công bố dự án, giá bán đã được đẩy lên cao rồi, nhiều nhà đầu tư đã nhanh tay “lướt sóng” kiếm lời nên giờ khi có dự án, giá bán cũng khó đẩy cao hơn nữa. Người đầu tư đã thận trọng với việc “ôm” đất để kiếm lời” – chị Tuất nói.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, giá trị BĐS khu vực Hòa Lạc và địa bàn một số huyện chuẩn bị thành quận của Hà Nội vốn đã bị đẩy lên cao hơn mức thực tế nên khó có thể mong đợi giá sẽ tăng cao vào thời điểm này.
“Theo tôi, sẽ không có chuyện “sốt” giá xảy ra tại khu vực Hòa Lạc và các huyện chuẩn bị lên quận nữa, người có nhu cầu thực thì không đủ sức mua do giá cao hơn thực tế. Nhiều người đầu tư đang bị “chôn vốn” do đầu tư vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng” – ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Ở khía cạnh khác, theo chuyên gia tài chính Trần Quốc Việt, gần đây có thời điểm thị trường BĐS Hòa Lạc tương đối sôi động do những hoạt động của môi giới. “Môi giới chủ yếu thổi giá ở các dự án nhỏ lẻ để tạo sóng thị trường, thực tế những dự án lớn của chủ đầu tư uy tín thì chưa hoạt động, vì vậy người dân cần hết sức cẩn trọng với chiêu “thổi giá” của môi giới BĐS” – ông Việt nhìn nhận.

"Trong lộ trình phát triển khu vực Hòa Lạc sẽ trở thành một thành tố chính trong nền kinh tế tri thức của Thủ đô Hà Nội, nơi đây chứa đựng hầu như đầy đủ các yếu tố vật thể và phi vật thể cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không khó để dự đoán, thị trường BĐS khu vực này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, giá trị các sản phẩm BĐS cũng sẽ tiếp tục tăng." - Chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị, TS.KTS Hoàng Hữu Phê