Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản mùa ngập lụt: Vỡ mộng bánh vẽ hạ tầng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa dai dẳng hơn một tuần qua là tác nhân chính khiến thanh khoản bất động sản (BĐS) bị ngưng trệ. Thậm chí, không ít khách hàng còn đơn phương xin hủy cọc, lấy lại tiền.

Hủy kèo mua - bán
Trận mưa lớn kéo dài cả ngày 21/7 khiến nhiều tuyến phố Thủ đô ngập sâu diện rộng. Thời điểm mưa to nhất, tại các trục đường hiện hữu nhiều dự án lớn đang xây dựng cũng chìm sâu trong nước. Giới chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng tích cực duy nhất của trận ngập này chính là xóa sạch mọi lời quảng cáo “có cánh” về lợi thế vị trí, hạ tầng. Đơn cử như dự án Housinco Grand Tower, khu đô thị The Mannor, khu liền kề Athena Fulland Đại Kim (Nguyễn Xiển)… đều được các chủ đầu tư quảng bá thiết kế hiện đại, vị trí đắc địa, thuận tiện đi lại. Thế nhưng, cảnh tượng hàng loạt xe máy, ô tô chết máy, giao thông tê liệt hơn 3 tiếng đồng hồ trên trục đường Nguyễn Xiển đã chứng minh điều ngược lại.
 Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức chìm trong biển nước. Ảnh: Công Hùng
Cùng chung số phận, tại Tòa T1, T2 Thăng Long Victory (Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức) dù từng được truyền thông quảng bá như TP mới của Thủ đô, kết nối thuận tiện với trung tâm bởi những tuyến đường thông thoáng của Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn cũng biến thành… ốc đảo. Nhìn cảnh ấy, nhiều khách hàng thở phào vì chưa vội xuống tiền mua nhà tại đây. Gia đình anh T. chia sẻ: “Sắp tới nghe thông tin chủ đầu tư Phúc Hà mở bán tòa T3, vợ chồng chúng tôi đã rậm rịch chuẩn bị tiền để sở hữu một căn hộ tại đây. Song, hiện giờ cung đường này liên tục bị liệt vào danh sách “điểm đen” ngập úng cục bộ, khiến cả nhà đứng ngồi không yên”.

"Nhà đầu tư ăn xổi chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên không tính đến kịch bản ngập lụt nặng xảy ra. Thị trường căn hộ sẽ chịu những tác động nhất định do khách hàng có thể trì hoãn các kế hoạch mua – bán. Rất khó để dự đoán quá trình này diễn ra bao lâu, nhưng trong dài hạn chắc chắn chủ đầu tư nào chú ý đến các biện pháp phòng chống lũ của dự án, sẽ gia tăng sức mua." - Ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam


"Lòng đường Lê Văn Lương khá hẹp (mỗi bên rộng 11,25m2). Hiện tại, đường khá bế tắc về mặt lưu thông do các dự án bất động sản mọc lên quá nhiều, khiến mật độ bê tông hóa tăng. Trong khi rất ít DN đầu tư “khoảng đệm” (tức hồ điều hòa, cây xanh) để thoát nước khi mưa lớn thì làm sao có thể quảng cáo không ngập úng, làm sao có thể gọi là đắc địa?" - GS. TS Đặng Hùng Võ

Chủ đầu tư (xin giấu tên) của một dự án trên đường Lê Văn Lương thừa nhận: “Ngập nước khiến tâm lý khách hàng diễn biến xấu đi. Tốc độ chốt giao dịch chậm lại. Chỉ tính riêng một tuần nay (từ 16 - 22/7) đã có đến 3 khách đòi hủy hợp hợp đồng mua bán. Trong khi đó, một số khách lại tức tốc yêu cầu giải thích về việc mưa lớn gây ngập. Để minh bạch, chúng tôi phải chủ động công bố bản vẽ, số liệu cụ thể về việc xây dựng nền của dự án theo đúng chuẩn quy định của Bộ Xây dựng. Cam kết không bớt cốt nền, người mua nhà mới… nguôi nguôi”.

Coi chừng đắc địa… ngập

Cảnh tượng giới nhà giàu tại các khu đô thị dọc Đại lộ Thăng Long bị cô lập trong biển nước, buộc phải di chuyển bẳng… xuồng trở thành nỗi ám ảnh của số đông khách hàng. Không chỉ người có thu nhập thấp, trung bình khá bị ăn “bánh vẽ” hạ tầng mà người giàu, siêu giàu cũng vỡ mộng chung cư, biệt thự triệu đô. Với tình trạng ngập úng tại các khu chung cư, nhà liền kề, ý kiến giới quy hoạch cho rằng, các trận mưa vừa qua xét về quy mô chưa bằng năm 2008, nhưng tại sao năm đó các khu chung cư, đô thị khi đó không ngập, nay lại ngập nặng như vậy?.

“Điều này đã chứng minh rằng, mật độ xây dựng nhà tại các khu chung cư, đô thị mới quá cao. Cùng với đó nhiều dự án chỉ chú trọng xây xong nhà để bán, các hạng mục hạ tầng khác trong đó có thoát nước hầu như không được quan tâm. Dọc Đại lộ Thăng Long có hàng chục khu đô thị, vậy nhưng có mấy khu đã hoàn thành hệ thống thoát nước tại đây?” - đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nêu thực tế.
 Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn ngập trong nước sau trận mưa lớn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Tiến phân tích, những cơn mưa lớn mùa mưa bão khiến người dân thiệt hại kinh tế không nhỏ. Đặc biệt, khiến người mua nhà và DN địa ốc bỗng dưng có mâu thuẫn và dè chừng lẫn nhau. Chuyện ngập lụt là yếu tố khách quan nằm ngoài dự đoán của các DN BĐS. Tuy nhiên, nhiều DN cũng cố tình che khuyết điểm đó. Vì lẽ đó, người mua nhà cần tính toán để đánh giá đúng hạn chế của một dự án. Đầu tiên là yếu tố vị trí, cùng với dự đoán xem khu vực đó có khả năng ngập lụt ở những vị trí nào để tránh mua.

Theo chuyên gia này, ở các đô thị sầm uất, công việc xuyên suốt như vậy, có lẽ rất ít người bỏ công sức để đi khảo sát chuyện ngập lụt như trên để mua căn hộ. Cách duy nhất để chọn căn hộ ở khu vực hạn chế hoặc không ngập là có thể so sánh với các dự án, nhà ở gần đó rồi đối chiếu với khu vực mình cần mua.

Đồng quan điểm, giới chuyên môn xây dựng đánh giá tình trạng ngập nước dù không còn xa lạ ở Hà Nội nhưng sự việc ngập úng nặng ngày 21/7 như vượt “ngưỡng” chịu đựng của người dân. Ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam phân tích, thực tế mưa lớn gây ngập ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua nhà. Vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách khảo sát của khách hàng trước khi quyết định chọn mua BĐS, qua đó, các chung cư có tầng hầm phải lưu ý để phục vụ tốt nhất cho khách hàng.