Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản vùng Thủ đô: Sức hút mới từ kết nối hạ tầng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đang chứng kiến làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ từ nội đô ra ngoại vi và xa hơn nữa.

Nhiều khu vực trong vùng Thủ đô trước đây ít hấp dẫn, giờ đây nổi lên như một trung tâm BĐS mới đầy tiềm năng với lợi thế về quỹ đất rộng lớn và kết nối hạ tầng ngày một đồng bộ.
Thị trường khởi sắc

Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) - một tổ hợp dự án được nhận định lớn nhất về quy mô, vốn đầu tư và được thừa hưởng rõ nhất về kết nối hạ tầng hoàn thiện của vùng Thủ đô. Dù nằm ở vị trí giáp ranh Hà Nội, thế nhưng siêu dự án này lại luôn được đông đảo khách hàng nội đô hướng đến. Hầu như các sản phẩm BĐS của Ecopark luôn “cháy” hàng, thậm chí tại thời điểm thị trường BĐS trầm lắng thì ở siêu dự án này, khách hàng vẫn phải xếp hàng để được bốc thăm quyền mua.
 Khu đô thị Ecopark.
Đại diện Công ty CP Đầu tư và phát triển Việt Hưng - Chủ đầu tư dự án Ecopark cho biết, sức hút của Ecopark không chỉ bởi thiết kế xanh, không gian mở, đồng bộ về hạ tầng, tiện ích mà còn do sản phẩm BĐS dành cho tất cả các đối tượng khách hàng, từ bình dân đến cao cấp, thậm chí siêu cao cấp. Hiện tại Ecopark đang cùng lúc mở bán nhiều loại hình sản phẩm như căn hộ giá cạnh tranh Aqua Bay, dòng sản phẩm căn hộ hạng sang The Collection và đặc biệt lần đầu tiên ra mắt biệt thự đảo triệu đô Ecopark Grand – The Island. “Kỳ vọng của Ecopark là với sự lan tỏa của dự án này sẽ kéo theo sự tham gia phát triển của các chủ đầu tư lớn, tạo động lực phát triển cho cả khu vực, giống như dự án Phú Mỹ Hưng tại quận 7 TP Hồ Chí Minh” – vị đại diện này nói.

"Hệ thống hạ tầng đã có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển của thị trường BĐS Hà Nội và các tỉnh vùng Thủ đô. Ngoài ra, do quỹ đất của Thủ đô không còn nhiều nên nhà đầu tư giãn nở ra các khu vực tiềm năng là điều tất yếu. Song phải thừa nhận rằng, mỗi tỉnh trong vùng Thủ đô đều có thế mạnh riêng về du lịch, vị trí, hạ tầng giao thông,... đã làm cho thị trường BĐS tại các tỉnh này trở nên sôi động hơn." - Thạc sĩ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái

Cùng với Ecopark ở Hưng Yên, thị trường BĐS Vĩnh Phúc ngày càng trở nên sôi động với sức tăng mạnh cả về nguồn cung và nguồn cầu. Đặc biệt, với những lợi thế riêng của mình khu vực TP Vĩnh Yên đang trở thành tâm điểm bất động sản Vĩnh Phúc được giới chuyên môn đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Chỉ từ đầu năm 2018, BĐS Vĩnh Phúc đã đạt được mức tăng trưởng tốt với các dự án nổi bật. Tại TP Vĩnh Yên, có thể kể đến dự án An Phú Residence đường Phan Chu Trinh, phường Khai Quang với mô hình nhà thấp tầng kết hợp với nhà cao tầng. Dự án nhanh chóng tạo nên sức hút lớn đối với người dân Vĩnh Phúc và giới đầu tư địa ốc do các sản phẩm BĐS được đầu tư bài bản, chất lượng cao, quy hoạch đồng bộ, hiện đại,…mà ở tỉnh vẫn được xem là "hàng hiếm". Cùng đó là sự xuất hiện của dự án VCI Mountain View tại Định Trung, Vĩnh Yên là khu nhà ở đô thị kết hợp các loại hình dịch vụ với quy mô dự án gồm 630 căn bao gồm nhà biệt thự, nhà ở thương mại, liền kề cùng các tòa chung cư. Dự án được đầu tư hệ thống 17 tiện ích như công viên hồ điều hòa, trường mầm non, nhà văn hóa, các khu thương mại... thu hút nhiều khách hàng bởi định hướng mang đến cho cư dân những trải nghiệm khác biệt và hưởng thụ cuộc sống.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS khu vực vùng Thủ đô còn rất nhiều tiềm năng. Ngoài các địa điểm như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, thị trường đã được định hình; các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh cũng nổi lên là nhân tố mới nhờ sự xuất hiện của các tập đoàn công nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại Thái Nguyên, đến hết quý II/2018 đã có 3.000 căn hộ chung cư, hơn 400 biệt thự, số lượng lớn đất nền đã được chào bán. Tại tỉnh Bắc Ninh các dự án BĐS với hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực khu công nghiệp và các khu hành chính mới như TP Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong. Lực hấp thụ tại các dự án đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng.

Hưởng lợi từ hạ tầng

Được biết, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg. Tiếp đó vào tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của điều chỉnh quy hoạch là làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Trên cơ sở đó sẽ tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (Vành đai 4, Vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên).

Thông qua cải tạo nâng cấp kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ; phát triển, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải: Đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không và tăng cường hệ thống giao thông công cộng đa dạng phù hợp từ Hà Nội đến các tỉnh trong vùng Thủ đô.

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Đăng Dũng – Câu lạc bộ BĐS Hà Nội (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho rằng, thị trường BĐS các tỉnh vùng Thủ đô, đặc biệt là khu vực phía Đông và phía Nam, đang được hưởng lợi lớn từ các dự án hạ tầng được thiết kế, quy hoạch hiện đại, đồng bộ. “Những quyết định chiến lược của Chính phủ đã tạo điều kiện cho hệ thống hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối từ trung tâm đô thị sầm uất của Thủ đô với các khu vực trước đây được cho là xa trung tâm và không thuận lợi về giao thông đi lại tại các tỉnh ven Hà Nội trong vùng Thủ đô. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chiến lược liên kết vùng đã giúp cho thị trường BĐS tại các tỉnh vùng Thủ đô có cơ hội để bứt phá mạnh mẽ chưa từng có từ trước đến nay” – ông Vũ Đăng Dũng nhận định.