Bắt giữ trên 2.000 sản phẩm pin sạc dự phòng giả mạo nhãn hiệu Samsung

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 43BT4, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở kinh doanh đang có 2.036 sản phẩm pin dự phòng có chữ 20+ SAMSUNG trên bề mặt sản phẩm. Trong đó, 836 pin dự phòng thể hiện xuất xứ "Made in China". Mỗi sản phẩm được đựng trong vỏ hộp có in chữ “SMART POWER; 100% HIGH CAPACITY LITHIUM BATTERY; POWER BANK”.
 Đội QLTT số 1 kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 43BT4, Khu đô thị mới Cầu Bươu ngày 26/3

Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa cho biết đây là hoạt động kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu rất tinh vi. Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG được ngụy trang và đựng trong các vỏ hộp bình thường không có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
"Quá trình kiểm tra không kỹ, không sâu sát sẽ rất khó phát hiện hành vi vi phạm" - ông Nghĩa nói. Sau khi phát hiện thủ đoạn tinh vi trên, ngay lập tức Đội QLTT số 1 đã liên hệ với đại diện hãng SAMSUNG và được xác nhận là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đại diện hãng cũng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lực lượng QLTT đã chủ động trong công tác chống hàng giả.
Toàn bộ số hàng đã được niêm phong, tạm giữ và mở rộng đấu tranh, làm rõ hành vi vi phạm của cơ sở trên cũng như xác minh, làm rõ nguồn gốc sản phẩm, số hàng hóa đã tiêu thụ. Qua đó đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng tránh những hiểm họa đáng tiếc xẩy ra khi sử dụng phải các loại pin dự phòng giả, kém chất lượng.
Đây là một trong những vụ việc điển hình được triển khai thực hiện theo Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT của Tổng cục QLTT về phê duyệt Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025.