Bắt kịp xu thế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ thông tin bùng nổ đã tạo thuận lợi để các nhà báo tác nghiệp. Nhưng tỷ lệ thuận với sự năng động, linh hoạt, nhạy bén của phóng viên để chạy đua thông tin, tính chất công việc của nghề báo hiện đại cũng vất vả và áp lực nhiều hơn.

Nhìn lại chặng đường 93 năm xây dựng và trưởng thành, mới thấy “cơ ngơi” của báo chí Việt Nam chưa bao giờ hùng hậu, phát triển đến thế. Có thể tự hào khẳng định, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là dòng chảy chủ đạo. Tuy nhiên, công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển nhanh, cùng sự ra đời của các loại hình, mô hình truyền thông, là thách thức với báo chí truyền thống khi đứng trước yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời, nhưng vẫn bảo đảm định hướng trước nhiều luồng thông tin khác nhau.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, tiện ích công nghệ thông tin giúp người làm báo viết bài nhanh hơn, sửa chữa dễ, tra cứu thông tin kịp thời. Mặt khác, công nghệ thông tin phát triển nhanh, giúp nghề báo hiện nay tạo được hiệu ứng mạnh mẽ với những tin, bài nóng cập nhật hàng ngày, hàng giờ, thậm chí trên từng giây và tương tác hiệu quả với công chúng… Trong môi trường năng động này, đòi hỏi người làm báo luôn trong tư thế sẵn sàng, linh hoạt để có được thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Theo TS Trần Quang Diệu - giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Từ cách tiếp cận với các tờ báo in, phát thanh hay truyền hình truyền thống, thông qua công nghệ và các thiết bị thông minh, công chúng có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, chân thực. Dưới tác động của công nghệ thông tin, mạng xã hội đang phát triển, kết nối thông tin trực tiếp đến mọi người. Chưa bao giờ người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, đa dạng như hiện nay. Bởi thế, ngày càng nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi các nhà báo phải đa phương tiện, đa kỹ năng.

Thách thức này càng lớn hơn trong thời đại công nghệ thông tin cũng đòi hỏi mỗi người làm báo phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn với nghề, với xã hội. Thực tế, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của thông tin, thị trường, gần đây báo chí cũng vướng không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật. Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã nhận định tại tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”: Với sự phát triển của công nghệ, người làm báo hiện nay đang bị tác động, "rung lắc" hơn bao giờ hết. Sự bùng nổ của mạng xã hội khiến chưa bao giờ việc lọc thông tin khó như hiện tại. Nhiều sự việc chỉ vài tiếng có hàng triệu bình luận, nhưng có khi hai ba hôm sau lại đảo chiều. Một vấn đề nguy hiểm là nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ khi áp lực đưa tin điện tử ngày một nhanh.

Rồi nhiều nhà báo dùng mạng xã hội để chia sẻ bài viết để tiếp cận độc giả, bản thân họ cũng dùng facebook, để tăng lượt like, share, một số cũng dùng những status câu view. Lại có hiện tượng là trong bài viết đăng báo, nội dung không có vấn đề, nhưng dòng trạng thái của nhà báo lại viết giật gân để hút cộng đồng. Đây cũng là điều đáng lo ngại.

Nhiều ý kiến nhận định, thông tin số hóa phát triển nhanh, đa dạng là thách thức với báo chí truyền thống, nhưng không có nghĩa báo chí truyền thống mất hết vai trò. Trong “mớ” thông tin với nhiều góc nhìn từ các trang mạng, báo chí và những thông tin chính thức sẽ được bạn đọc trông đợi như một nguồn tin đáng tin cậy. Vì thế, báo chí truyền thống vẫn có vị trí nhất định và quan trọng đối với độc giả. Để phát huy lợi thế đó và giữ được độc giả, mỗi cơ quan báo chí, nhà báo phải căn chỉnh thước ngắm về trách nhiệm xã hội, xây dựng nội dung thông tin đủ sức cạnh tranh cũng như cải tiến cách thức để hấp dẫn bạn đọc.

Không phải ngẫu nhiên mà GS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói rằng, người làm báo phải tiên phong định hướng công chúng. Công nghệ phải phục vụ con người và những người làm báo cần cân nhắc sử dụng chúng cho hiệu quả, đừng mải nghĩ tới công nghệ mà quên đi nền tảng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần