Từ thực tế thị trường việc làm đang có xu hướng cần nhiều nhân lực TMĐT, năm 2019, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội mở thêm 3 nghề mới, trong đó có TMĐT. Ông Trần Thanh Bình – Trưởng khoa Trung cấp và Sư phạm dạy nghề kiêm Trưởng ban Tuyển sinh của trường cho biết: TMĐT có hai khối riêng, một là mã nghề thuộc nhóm ngành, nghề công nghệ thông tin (CNTT), một của nhóm ngành, nghề kinh doanh và quản lý. Nhà trường đang hướng đào tạo nghề TMĐT về CNTT đồng thời có kèm theo một số môn học về kinh doanh và quản lý để người học sau khi ra trường hoàn toàn làm chủ được công nghệ và phát triển năng lực bản thân dựa trên nhu cầu thị trường khách hàng.Cô Hoàng Thị Hà – giáo viên kiêm tư vấn hướng nghiệp cho rằng, ai cũng có thể theo học nghề này. Người học phải cần cù, nhanh nhẹn để tiếp xúc sản phẩm và thực hiện nghiệp vụ. “Riêng với những môn học về chuyên ngành, đặc thù của giáo viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là đi tới cùng với người học. Có thể, xuất phát đầu vào của hai trường như nhau, nhưng với sự đào tạo nghề và theo sát học viên từng ngày, từng buổi trực tiếp và qua online nên người học sẽ nhanh tiến bộ”- cô Hà nhấn mạnh.Ông Trần Thanh Bình cũng chỉ ra lợi thế của người kinh doanh trên mạng theo học nghề TMĐT về CNTT: Hai người cùng bán một loại son, nhưng khi bạn có kiến thức và kỹ năng CNTT thì lợi thế hơn hẳn. Chẳng hạn, khách vào google gõ tìm thỏi son theo mã vạch thì ngay lập tức sản phẩm này của DN bạn sẽ hiện lên đầu tiên. Đó chính là sự đón đầu để thu hút khách mua hàng khi kinh doanh bằng hình thức TMĐT. Để làm được việc này, nhà trường sẽ dạy cho người học cách làm chủ công nghệ cũng như đưa sản phẩm đến gần khách hàng. Với những xu thế của thị trường việc làm thời kỳ kỷ nguyên số, năm học đầu tiên mở và tuyển sinh nghề TMĐT nên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 100 chỉ tiêu, chia đều cho hệ cao đẳng và trung cấp. Theo Cô Khúc Thị Ngọc Hà - Phó Trưởng khoa Trung cấp và Sư phạm dạy nghề, có rất nhiều vị trí việc làm với người học nghề TMĐT như kế toán, bán hàng online, lập trình, thiết lập và thiết kế website, quản trị website… Để làm tốt những công việc này, ngoài những kiến thức cơ bản về xã hội, học viên theo học nghề TMĐT trình độ trung cấp sẽ được nhà trường trang bị các kiến thức về máy tính, hệ thống máy tính, mạng, đồ họa, cơ sở dữ liệu và hệ thống sản xuất thương mại (lập kế hoạch tiếp thị, chọn thị trường và phân tích thị trường, tâm lý khách hàng, hiểu biết về kinh doanh trực tuyến..). Ở hệ CĐ, học viên được trang bị thêm kiến thức công nghệ về web và mạng xã hội, thanh toán điện tử…Cùng với đó là những kỹ năng để khi ra trường hoàn toàn làm được những công việc của nghề hoặc tự khởi nghiệp.