Bất ngờ dọa hủy hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên đang tính toán gì?

Lan Hương (Theo Bloomberg/ BBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Toàn bộ quá trình đã diễn ra suôn sẻ kể từ tháng 1 và động thái này như là lời nhắc nhở, Bình Nhưỡng không lép vế trong cuộc chơi, các chuyên gia nhận định.

Ngày 16/5, Triều Tiên bất ngờ hủy cuộc gặp cấp Bộ trưởng với Hàn Quốc về kế hoạch triển khai tuyên bố thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, bao gồm cam kết chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và phi hạt hóa bán đảo Triều Tiên do Mỹ - Hàn tổ chức tập trận chung.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan cũng tuyên bố, nước này sẽ xem xét lại việc tham dự hội nghị thượng đỉnh với Mỹ nếu Bình Nhưỡng bị đơn phương ép buộc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
 
Động thái này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 khiến nhiều người lo ngại.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ sẽ xem xét tuyên bố của Triều Tiên và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh. Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vẫn đang được tiếp tục và Washington không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc hội nghị này sẽ bị hủy.
Các nhà quan sát nhận định, động thái mới nhất của ông Kim Jong-un có thể nhằm mục đích kiểm tra sự sẵn sàng nhượng bộ của Tổng thống Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh và trước chuyến công du đến Washington của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Các nhà phân tích lưu ý, tuyên bố mà KCNA trích dẫn trong bản tin không được ký bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc quân đội và do đó, không có khả năng dẫn đến việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh.
"Nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự muốn hội nghị thượng đỉnh này. Toàn bộ quá trình đã diễn ra suôn sẻ kể từ tháng 1 và động thái này chỉ như là lời nhắc nhở, Bình Nhưỡng không lép vế trong cuộc chơi" - ông David Kang - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Nam California, Mỹ cho biết.
Van Jackson, một nhà chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Victoria Wellington, đồng thời là cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, ông Kim Jong-un đang cố gắng bảo đảm những nhượng bộ từ chính quyền Tổng thống Trump hoặc xoa dịu dư luận trong nước về việc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với Washington.
Đây cũng là một cảnh báo cho chính quyền Trump. Từ trước đến nay, Tổng thống Trump và Mỹ luôn xem tình hình trên bán đảo Triều Tiên là kết quả có được nhờ chiến lược áp lực tối đa của mình. Hiện tại, Bình Nhưỡng muốn cả thế giới biết rằng, nước này đang tiến đến bàn đàm phán với một cách mạnh mẽ.
Triều Tiên đã đình chỉ tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa, phóng thích 3 tù nhân Mỹ và sắp phá hủy một địa điểm thử hạt nhân trước sự chứng kiến của các phương tiện truyền thông quốc tế. Đây được xem là một sự nhượng bộ đáng kể.
Vì vậy, việc chính quyền Trump "nhận công" về kết quả hiện tại dường như là một bước "quá xa". 
Những tuyên bố này cho thấy rằng, Bình Nhưỡng có thể rời khỏi hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ở Singapore cho đến khi nước này nhận được một thỏa thuận vừa ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần