Bất ngờ quốc gia hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt chống Iran của chính quyền Mỹ

Nguyễn Phương (Theo Washingtonexaminer)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 19/6 nói rằng vương quốc dầu mỏ có thể bán thêm nhiều dầu mỏ sang châu Á trong năm nay,

Chính phủ Mỹ hôm 19/6 cho biết, các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran khiến hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Ả Rập Saudi tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại khu vực châu Á.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 19/6 nói rằng vương quốc dầu mỏ có thể bán thêm nhiều dầu mỏ sang châu Á trong năm nay, mặc dù Ả Rập Saudi đang tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng với các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, bao gồm Nga.
 Lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran khiến hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Ả Rập Saudi có thể tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo của EIA, xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Saudi sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay do chính quyền Tổng thống Donald Trump hủy bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép nhập khẩu dầu mỏ Iran từ đầu tháng 5 vừa qua.
“Chính quyền ông Trump không cấp quy chế miễn trừ lệnh trừng phạt với việc mua dầu mỏ Iran sau ngày 1/5, vì vậy 4 quốc gia trên sẽ phải tìm giải pháp thay thế nguồn dầu thô của Iran", EIA nêu rõ trong báo cáo công bố ngày 19/6. Theo IEA, quyết định siết trừng phạt với ngành dầu mỏ của Tehran sẽ khiến lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Ả Rập Saudi tăng cao trong những tháng tới" như là một “giải pháp thay thế nguồn cung của Iran”.
Ả Rập Saudi sẽ xem xét liệu có đưa ra quyết định kéo dài việc cắt giảm sản xuất dầu mỏ hay không tại cuộc họp của OPEC và Nga vào cuối tháng này tại Vienna (Áo).
Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, và Nga đã dẫn đầu liên minh giữa OPEC cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm nay kéo dài đến hết tháng 6 tới để ngăn chặn tình trạng dư cung toàn cầu và đẩy giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, giới phân tích đang đặt câu hỏi rằng việc Ả Rập Saudi có thể tăng lượng dầu xuất khẩu sang châu Á trong những tháng tới có ảnh hưởng đến quyết định ủng hộ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất trong cuộc họp chính sách vào ngày 25/6 tới hay không.
EIA khẳng định cuộc họp của các nước trong và ngoài OPEC sắp tới "sẽ là yếu tố quyết định quan trọng" cho việc chính quyền Riyadh có tiếp tục xuất khẩu thêm dầu mỏ sang châu Á hay không.
Lãnh đạo OPEC cho biết, bất kỳ quyết định nào được tổ chức này đưa ra trong thời gian sắp tới sẽ phải xét đến lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của Mỹ. Tuy nhiên, nếu OPEC kéo dài việc cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 6, liên minh sẽ phải nhường bớt một phần thị trường dầu mỏ cho các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Dan Eberhart - giám đốc điều hành Công ty dịch vụ dầu mỏ Canary, nhận xét: "Đó là câu chuyện tương tự như trước đây, đó là OPEC phải quyết định. OPEC chỉ được lựa chọn một trong hai giải pháp, đó là giá dầu sẽ cao hơn hoặc chiếm được nhiều thị phần hơn".
Chuyên gia Eberhart cho rằng nếu Ả Rập Saudi quyết định hành động để cứu thị phần dầu mỏ của mình bằng cách tăng sản lượng, Riyadh có thể sẽ chứng kiến giá dầu giảm. “Tuy nhiên, bất chấp chính quyền Saudi quyết định như thế nào, dầu đá phiến của Mỹ vẫn trở nên cạnh tranh hơn về chi phí, và dù sao chúng tôi cũng đang chiếm nhiều thị phần trên thị trường dầu mỏ toàn cầu” - ông Eberhart cho hay.