Bắt tay xây dựng danh hiệu bền vững

Lại Tấn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Hà Nội đón nhận tin vui từ UNESCO, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (đơn vị xây dựng hồ sơ đệ trình Hà Nội ứng cử Thành phố sáng tạo) về những lợi ích và những vấn đề đặt ra sau danh hiệu.

 
Hà Nội vừa được UNESCO công nhận tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của thế giới. Theo ông, danh hiệu này có lợi ích gì với sự phát triển của Thủ đô ở Việt Nam?
- Một trong những mục đích của UNESCO khi đề nghị các TP tham gia vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là để thực hiện chương trình nghị sự 2030 - chương trình về phát triển bền vững. Thế nên, các yếu tố của Thành phố sáng tạo hướng đến mục tiêu cho một đô thị - cụ thể là Hà Nội phát triển bền vững hơn, khai thác được các yếu tố về sáng tạo, giảm thiểu các yếu tố tiêu cực về môi trường và có thể cố kết được cộng đồng. Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Khi Hà Nội có danh hiệu của UNESCO, chúng ta luôn phải nghĩ đến việc làm thế nào để yếu tố sáng tạo được hàm chứa, tồn tại trong tất cả các hành động của TP từ xây dựng, y tế, giáo dục, nông nghiệp đến quy hoạch đô thị...
Cũng vì lý do đó, khi đệ trình hồ sơ lên UNESCO, chúng tôi có nhắc đến câu chuyện Thành phố thông minh. Đây là hướng đi nằm trong Thành phố sáng tạo và chắc chắn là hướng phát triển mới của TP Hà Nội. Minh chứng cho hướng đi sáng tạo Hà Nội có thể thông qua hình ảnh cầu Nhật Tân, Bảo tàng Hà Nội, Festival âm nhạc Monsoon... Chính những yếu tố văn hóa – nghệ thuật, sáng tạo này, chúng ta sẽ hình thành nên một sự phát triển mới của Thủ đô.
Theo ông, sau khi tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo thế giới, vấn đề đặt ra trước mắt đối với Hà Nội là gì?
- Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình là vô cùng quan trọng. Hà Nội sẽ không chỉ là Thành phố sáng tạo mà còn là Thủ đô sáng tạo nữa. Và đối với các nước Đông Nam Á, Hà Nội là Thủ đô đầu tiên của Đông Nam Á là Thành phố sáng tạo. Vì vậy, chúng ta có thể nói Hà Nội là Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Nhưng mặt khác, để danh hiệu này đi vào thực chất còn quan trọng hơn rất nhiều. Trong hồ sơ đăng ký, chúng ta có chương trình hành động như: Xây dựng các trung tâm sáng tạo trong Hà Nội, xây dựng Thành phố thông minh, chương trình nghệ thuật tạo dựng thương hiệu cho Hà Nội (như Liên hoan phim Hà Nội), các quỹ, hoạt động tôn vinh sáng tạo... Khi Hà Nội nhận được danh hiệu, chúng ta phải cụ thể hóa, bắt tay vào xây dựng những kế hoạch cụ thể hơn thì danh hiệu này mới bền vững được.
Hà Nội lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xét ghi danh và đã thành công. Lý do nào để chúng ta lựa chọn lĩnh vực này, thưa ông?
- Hà Nội có rất nhiều lợi thế khác nhau như: Ẩm thực, nghề thủ công truyền thống... Tôi nghĩ rằng, lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo là thông minh và phù hợp. Lĩnh vực thiết kế sáng tạo có thể bao trùm nhiều nội dung như: Ẩm thực, thời trang, điện ảnh, nghề thủ công truyền thống khi mà các nghề thủ công truyền thống cũng có thể được sáng tạo mới, thêm những yếu tố thiết kế vào trong đó...
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần