Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026: Khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch bầu cử

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, căn cứ Nghị quyết 133 ngày 17/11/2020 của Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào 23/5/2021, ngành nội vụ Hà Nội đang khẩn trương triển khai các bước theo kế hoạch.

 Ảnh minh họa
Để triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Hà Nội, ngày 14/1/2021, UBND TP đã ban hành Quyết định số 275/QĐ-UBND về việc thành lập Ủy ban Bầu cử (UBBC) TP Hà Nội. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các hướng dẫn xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số người được giới thiệu ứng cử; quy định chi tiết hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri để giới thiệu người ứng cử, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục kịp thời tham mưu lãnh đạo TP và triển khai tới các quận, huyện, thị xã. 
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn, Sở cũng yêu cầu Trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã khẩn trương tham mưu đề nghị UBND cấp huyện thống nhất với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp và báo cáo Thường trực cấp ủy. Sau đó sẽ ban hành quyết định thành lập UBBC cấp huyện, hoàn thành trước 29/1/2021 để bắt tay vào công việc.

Hiện nay, Sở Nội vụ đã xây dựng xong dự thảo Kế hoạch và lịch triển khai công tác bầu cử tại TP. Do đó, Trưởng phòng Nội vụ các quận, huyện cần liên hệ với Phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) để tham khảo kết cấu, nội dung công việc, các mốc thời gian triển khai công việc theo quy định của Luật, nhằm chủ động chuẩn bị sớm. Về tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử, TP sẽ tổ chức ngay sau Hội nghị của T.Ư (Hội nghị của T.Ư có thể sẽ được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII). Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện cũng cần tham mưu lãnh đạo quận, huyện tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử cấp huyện ngay sau Hội nghị của TP; cấp xã tổ chức hội nghị ngay sau hội nghị cấp huyện.

“Chúng ta cố gắng triển khai mọi việc này ngay trước Tết Nguyên đán. TP sẽ hoàn thành sớm xây dựng Kế hoạch và lịch triển khai công tác bầu cử. Sau Hội nghị của T.Ư, nếu có những nội dung mới cần được quán triệt, khi TP tổ chức Hội nghị sẽ bổ sung” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị các Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện dành thời gian nghiên cứu quy định của Luật bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND năm 2015, tài liệu hướng dẫn; các quận, huyện khẩn trương rà soát cơ sở vật chất phục vụ bầu cử, chuẩn bị phương án in ấn tài liệu.

Điểm thay đổi là ngày 22/11/2019, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó số ĐB ở HĐND và số thành viên Thường trực HĐND TP, HĐND cấp huyện, cấp xã sẽ giảm so với nhiệm kỳ trước (cấp TP giảm 10 người, cấp huyện và xã giảm tối đa 5 người). Như vậy, việc xác định số lượng, cơ cấu, người được giới thiệu ứng cử, số người ứng cử, số ĐB được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử cụ thể sẽ có thay đổi so với nhiệm kỳ trước.

Ngoài ra, Quốc hội đã có Nghị quyết 97 ngày 27/22/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, theo đó sẽ không tổ chức HĐND phường tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Do vậy, tại các phường đó sẽ không phải thành lập UBBC ĐB HĐND phường và không phải thực hiện các bước quy trình bầu cử. 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn