Bầu cử Quốc hội ở Hàn Quốc: Lợi thời tăng thế

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua ở Hàn Quốc là sự kiện hy hữu trong bối cảnh hiện tại trên thế giới và trong lịch sử của Hàn Quốc. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác oai tác quái ở Hàn Quốc và trên khắp thể giới. Phong tỏa và cách ly, giãn cách xã hội và ngưng trệ hoạt động là tình cảnh và hình ảnh phổ biến hiện tại trên thế giới.

Ở nước Mỹ, những cuộc bầu cử sơ bộ của cả phía Đảng Cộng hòa lẫn ở phe Đảng Dân chủ nhằm chọn lựa ứng cử viên chính thức của các phe phái ấy cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ đều bị hoãn hoặc hủy vì dịch bệnh.
Ở nước Pháp, cuộc bầu cử nghị viện địa phương đã bị trì hoãn vì dịch bệnh. Ở Ba Lan, cuộc bầu cử tổng thống sẽ vẫn được tiến hành nhưng cử tri không đi bỏ phiếu trực tiếp mà bỏ phiếu bằng cách gửi thư qua bưu điện. Vậy mà ở Hàn Quốc vẫn tiến hành bầu cử quốc hội như bình thường. Tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc hiện vẫn rất trầm trọng mà tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu với hơn 66% lại cao nhất kể từ 28 năm trở lại đây.
Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon (giữa, phía trước), ứng viên của Đảng Dân chủ đồng hành cầm quyền, mừng chiến thắng sau khi kết quả bầu cử Quốc hội khóa 21 được công bố. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông thường, tổng thống đương nhiệm thuộc phe phái chính trị nào thì phe cánh ấy bị thất cử trong các cuộc bầu cử quốc hội ở Hàn Quốc. Nhưng ở cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi, Đảng Dân chủ đồng hành của tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in lại thắng lớn.
Cùng với đảng liên minh, phe của ông Moon Jae-in giành về ít nhất 180 trong tổng số 300 ghế dân biểu quốc hội, tuy chưa đủ mức đa số hai phần ba cần thiết để có thể sửa đổi hiến pháp hiện hành, nhưng thừa đủ để thông qua ở quốc hội những luật và biện pháp chính sách mà không còn cần phải thoả hiệp gì nữa với phe đối lập.
Dịch bệnh hiện tại đóng vai trò rất quyết định đối với kết quả bầu cử quốc hội nói trên. Trong những tình huống khó khăn và tình cảnh khủng hoảng, người dân thường kỳ vọng vào khả năng và bản lĩnh của người lãnh đạo đất nước. Chỉ cần chứng tỏ khả năng và bản lĩnh lãnh đạo quốc gia ấy thì sẽ được cử tri ủng hộ.
Với kết quả bầu cử nói trên, ông Moon Jae-in đã đưa lại bằng chứng sinh động và thuyết phục là ở thời dịch bệnh vẫn có thể giành thắng lợi một cách ngoạn mục trong các cuộc bầu cử.
Trên thực tế, ông Moon Jae-in theo cách không chính thức còn chỉ cho tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ Donald Trump cách thức có thể giúp giành thắng cử như thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ. Cụ thể, ở đây là phải nhanh chóng thành công trong việc ứng phó và đẩy lùi dịch bệnh, là dùng những biện pháp chính sách mạnh mẽ và kiên quyết để đối phó và đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện tại, ông Trump ở Mỹ chưa được thành công như ông Moon Jae-in ở Hàn Quốc, nhưng ông Trump còn thời gian nửa năm nữa để làm việc ấy.

Cử tri Hàn Quốc đánh giá cao và tin tưởng cách đối phó dịch bệnh của ông Moon Jae-in và đã thể hiện sự ghi ơn của họ đối với ông Moon Jae-in bằng để cho phe cánh của người này có được kết quả bầu cử như thế. Ông Moon Jae-in đã biến thời dịch bệnh thành thời của chính mình ở Hàn Quốc để củng cố và tăng cường vị thế quyền lực cho chính mình và nền tảng quyền lực cho phe phái chính trị của mình.
Ông Moon Jae-in và phe cầm quyền cần vị thế quyền lực mới ấy để tiếp tục quyết liệt đối phó dịch bệnh trong thời gian tới, để thực thi những dự án cải cách lớn vốn bọ ngưng trệ bởi lệ thuộc vào sự chấp nhập của phe đối lập trước cuộc bầu cử quốc hội này, đặc biệt là tạo sự cân bằng về thu nhập và công bằng xã hội cũng như cải tổ doanh nghiệp.
Ông Moon Jae-in và phe cầm quyền cần có những thành quả cầm quyền mới này để gây dựng điểm xuất phát thuận lợi cho người kế nhiệm mình trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới bởi hiến pháp hiện hành ở Hàn Quốc chỉ cho phép tổng thống cầm quyền một nhiệm kỳ và bởi sự chuẩn bị nhân sự này bây giờ không còn là sớm nữa.
Ngoài ra, kết quả như thế của cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Hàn Quốc cũng còn đưa lại bằng chứng cho thấy đa số lớn cử tri ở xứ này ủng hộ quan điểm chính sách của phe cầm quyền và ông Moon Jae-in về Triều Tiên và Mỹ. Bởi thế, trong thời gian tới, ông Moon Jae-in không có lý do gì hay chịu sự thúc ép gì để phải thay đổi đường lối chính sách ấy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần