Bầu Hiển và giấc mơ hồi sinh “thánh đường bóng đá” Hàng Đẫy

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, TP Hà Nội đã chủ động xã hội hóa nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm thu hút vốn đầu tư của DN tư nhân, trong đó có việc giao Tập đoàn T&T cải tạo, nâng cấp Sân vận động Hàng Đẫy.

Ngay sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận, T&T đã nghiên cứu tìm đối tác và lựa chọn Tập đoàn Bouygues (Pháp) triển khai dự án với tổng mức đầu tư trị giá 250 triệu Euro (khoảng 7.000 tỷ đồng).
Mạnh dạn xã hội hóa

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được cải thiện rất đáng kể, khi người lãnh đạo có tính quyết đoán sáng suốt. Điều này đã tạo niềm tin và động lực cho các DN khi được giao thực hiện các dự án xã hội hóa. Nói đến Sân vận động Hàng Đẫy, nơi có bề dày truyền thống lịch sử gắn bó với không chỉ người yêu bóng đá Hà Nội mà người dân cả nước cũng đều biết đến sân này. Tuy nhiên, hiện nay sân xuống cấp nghiêm trọng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu là do thiếu ngân sách cải tạo.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chứng kiến lễ ký   Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy, TP Hà Nội. 
“Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, thể thao của Chính phủ, TP Hà Nội đã quyết liệt thực hiện xã hội hóa thể thao, trong đó tin tưởng giao cho Tập đoàn T&T đầu tư phát triển dự án nâng cấp, mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy. Chúng tôi sẽ bỏ vốn đầu tư và hợp tác với các đối tác có năng lực quản lý sân. Bởi có trực tiếp quản lý đầu tư thì mới đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á, cũng như đáp ứng nhu cầu không chỉ đến xem những trận bóng, mà hướng đến xa hơn là làm tốt các dịch vụ thể thao, văn hóa phục vụ người dân Thủ đô” – ông Hiển nói.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 27/3, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã ký kết hợp tác Dự án nâng cấp mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy. Bên cạnh đó hai bên cũng đã Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án đường sắt đô thị số 3. Theo đó, Tập đoàn T&T xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển dự án đường sắt đô thị số 3 (đường sắt đôi) theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) kết nối trung tâm TP Hà Nội với thị xã Sơn Tây (Nhổn - Trôi - Phùng - Vành đai 4 - Sơn Tây) có tổng chiều dài 31,1km, tổng giá trị đầu tư vào Dự án ước tính khoảng 1,4 tỷ Euro (khoảng 39.716 tỷ đồng). 
Sẽ hoàn thành trong 3 năm

Về việc lựa chọn đối tác, ông Đỗ Quang Hiển khẳng định, Bouygues là một tập đoàn công nghiệp đa ngành của Pháp được thành lập vào năm 1952, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, truyền thông, viễn thông, giao thông. Năm 2017, Tập đoàn Bouygues có 115.530 nhân viên tại 90 quốc gia trên thế giới với tổng doanh thu lên tới 32,9 tỷ Euro. Các công trình nổi tiếng của Tập đoàn Bouygues gồm có: “Khu phố của tương lai” La Defense (Pháp), Sân vận động lớn nhất nước Pháp Stade de France, Nhà thờ hồi giáo Hassan II ở Casablanca (Morocco) - thánh đường cao nhất thế giới, Thư viện Quốc gia Pháp, công trình khôi phục trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Nga), The Sail @ Marina Bay (Singapore)… Tại Việt Nam, Tập đoàn Bouygues đã xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (năm 1997) nhân dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 và Cầu Phú Lương (Hải Dương) năm 1995. “Trên thị trường xây dựng, Bouygues Construction là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mang tầm quốc tế. Đó là lý do T&T lựa chọn đối tác này và đây là “cú bắt tay” lịch sử để làm sống lại Sân vận động Hàng Đẫy” – ông Hiển cho biết.
 

Phối cảnh Sân vận động Hàng Đẫy

sau khi được đầu tư cải tạo.
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp, mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 250 triệu Euro (khoảng 7.000 tỷ đồng), thời gian dự kiến kéo dài hơn 3 năm. Được biết, mới đây Sân vận động Hàng Đẫy đã được chỉnh trang khán đài và cải tạo mặt cỏ với kinh phí hơn 10 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ đầu mùa V-League 2018. Giai đoạn sắp tới sân vận động sẽ được xây mới toàn bộ với sự tư vấn, hỗ trợ của Tập đoàn Bouygues. “Thời điểm này, T&T đang đi tới giai đoạn cuối là duyệt quy hoạch chi tiết để khởi động vào năm 2019. Sân vận động mới sẽ mang diện mạo mới, quy mô và tầm vóc mới. Ngoài các điều kiện phục vụ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, sân còn có những tầng hầm, khu tiện ích để người dân không chỉ xem bóng đá và có thể tổ chức các sự kiện vui chơi giải trí trong sân vận động” - ông Hiển thông tin. Trong thời gian xây mới sân Hàng Đẫy, CLB Hà Nội dự kiến thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà để thi đấu các trận đấu V-League, Cúp quốc gia và giải châu á (nếu giành quyền tham dự) trong khoảng từ năm 2019 tới 2021.

Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ, T&T cùng đối tác sẽ quyết tâm thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra. Đồng thời ông hy vọng, không chỉ Sân vận động Hàng Đẫy, tới đây, các công trình thể thao khác và một số công trình về giáo dục sẽ tiếp tục được TP tiến hành xã hội hóa giao cho DN đầu tư, quản lý để thu hút nguồn vốn và hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Sân vận động Hàng Đẫy được xây dựng từ năm 1937, ban đầu chỉ là bãi đất trống với diện tích khiêm tốn và hạng mục phụ trợ rất sơ sài. Năm 1958, sân được xây mới với diện tích hơn 21.000m2 và sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, có đường piste và tường bao quanh. Năm 1995, sân được cải tạo, có nhiều hạng mục hiện đại và duy trì sử dụng cho tới bây giờ. Theo cam kết của hai bên, Tập đoàn Bouygues hợp tác với Tập đoàn T&T trong thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, hỗ trợ thu xếp vốn và đầu tư cho dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần