"Bẫy tình" - thủ đoạn của các băng tội phạm có yếu tố nước ngoài

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Thời gian gần đây, nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà tội phạm là người nước ngoài. Việc phòng chống, điều tra các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, cho thấy cần những giải pháp tăng cường công tác quản lý địa bàn.

Nhiều thủ đoạn
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, thủ đoạn phổ biến của các băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài vẫn là “bẫy tình," lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các phụ nữ nhẹ dạ. Từ năm 2014 - 2016, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 58 đơn tố cáo, khởi tố 32 vụ án, 21 bị can với số tiền chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.
Các đối tượng (đa số là người gốc Phi, không có việc làm) đóng giả thành người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội như bác sỹ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ..., đưa các hình ảnh giới thiệu là đang sinh sống tại nước ngoài rồi ngỏ ý làm quen, kết bạn với nhiều phụ nữ Việt Nam trên các trang mạng xã hội.
Sau đó, đối tượng hứa hẹn chuyện tình cảm và ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn như tiền, vàng... để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư kinh doanh.
Các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, chiếm đoạt tiền tỷ bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ.
Khi bị hại đã "cắn câu", đồng bọn là người Việt Nam đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ... thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị... và yêu cầu phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Sau đó, các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền và chúng rút ra để chiếm đoạt.
Mặc dù lực lượng công an đã triệt phá rất nhiều băng nhóm như vậy đồng thời kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hiện vẫn có nhiều người “sập bẫy.”
Mới đây nhất, ngày 3/4, Công an quận 7 nhận được trình báo vụ việc của bà N.T.T (67 tuổi, ngụ quận 7) bị một người ngoại quốc lừa hơn 1 tỷ đồng.
Bà T cho biết thông qua mạng xã hội Facebook, khoảng một tháng trước, bà có quen biết một người đàn ông ngoại quốc tên Juliangandel. Hai người có thời gian trao đổi thân thiết trên mạng. Sau đó, Juliangandel còn hứa sẽ gửi cho bà T một kiện quà, bên trong có chứa 100.000 USD.
Đến ngày 19/3, bà T nhận được điện thoại của người phụ nữ giới thiệu là nhân viên hải quan. Người phụ nữ này thông báo với bà T kiện quà biếu gửi cho bà đã từ nước ngoài về đến Việt Nam và yêu cầu bà phải đóng các khoản phí để làm thủ tục nhận kiện quà.
Theo sự hướng dẫn của người phụ nữ này, bà T đã có 6 lần đến ra ngân hàng để chuyển tổng cộng hơn 1 tỷ đồng vào ba tài khoản ngân hàng khác nhau mà người phụ nữ trên chỉ định. Khi xong việc, bà T liên lạc lại với người bạn Juliangandel thì không được. Đến nay, vụ việc đang được Công an thành phố điều tra.
Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ cướp do các đối tượng là người nước ngoài gây ra. Mới đây, vào ngày 25/3, Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam thuộc phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ hai đối tượng gồm Ravi Barkash (sinh năm 1990, quốc tịch Ấn Độ) và Moon Atfri (sinh năm 1986, quốc tịch Mỹ, cùng lưu trú tại huyện Nhà Bè) để điều tra về hành vi cướp tài sản. Vì thiếu tiền tiêu, hai đối tượng này đã đặt dịch vụ Grabbike, sau đó chích điện vào tài xế để cướp xe máy.
Cần tăng cường công tác quản lý
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72 Bộ Công an), có không ít người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không có thông tin khai báo tạm trú cũng như nhiều trường hợp đã xuất cảnh và xin nhập cảnh trở lại nhưng vẫn chưa có thông tin khai báo tạm trú của lần nhập cảnh trước. Tình trạng người nước ngoài ở quá hạn tạm trú vẫn còn ở mức cao.
Đáng chú ý, trong năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện việc khai báo tạm trú khống, làm giả dấu gia hạn tạm trú để cho người nước ngoài ở lại Việt Nam và chỉ đến khi họ có phạm pháp mới bị phát hiện. Đây cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh tội phạm người nước ngoài.
Trước tình hình đó, mới đây, Cục A72 đã triển khai tập huấn cho lực lượng quản lý xuất nhập cảnh toàn quốc chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài qua Internet. Các cơ sở lưu trú có thể khai báo tạm trú qua Internet cho khách du lịch một cách dễ dàng. Thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài được truyền tải đến hệ thống máy tính của công an các cấp, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý và cả trong trường hợp truy tìm đối tượng.
Công an TP Hồ Chí Minh dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp hơn.
Công an thành phố khuyến cáo, người dân không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội; không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế...; tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng trên dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển tiền, phải báo ngân hàng phong tỏa ngay).
Theo Trung tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát-Bộ Công an, để phòng chống loại tội phạm “bẫy tình”, Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ký kết Nghị quyết liên tịch 01 giai đoạn 2012 - 2017.
Hội Phụ nữ các cấp cần chủ động phối hợp với lực lượng công an trong thực hiện Nghị quyết liên tịch 01; phát động các cấp Hội Phụ nữ và hội viên nhiệt tình hưởng ứng tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội đồng thời chủ động đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho hội viên thực hiện các nội dung của nghị quyết và tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm hiện nay...
Ngoài ra, Tổng cục Cảnh sát cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng cường công tác quản lý việc đăng ký mở tài khoản, bảo quản, sử dụng thẻ được cấp; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi bổ sung Nghị định 96/2014/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng quy định cụ thể các hành vi mở thẻ, tài khoản để bán, cho người khác thuê, để nhận hộ tiền có nguồn gốc do lừa đảo mà có. Điều này nhằm phòng ngừa, răn đe những người Việt Nam cấu kết với tội phạm người nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần