Bê bối Choigate và nút thắt khó giải quyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên điều trần cuối của Tòa án Hiến pháp hôm 27/2 đã kết thúc chóng vánh và khiến các đảng đối lập cùng người dân bất mãn và đẩy đất nước đối mặt với một giai đoạn khó khăn.

Nhóm công tố viên đặc biệt đã xác định Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là một nghi phạm trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bạn thân Choi Soon-sil. Tuyên bố trên được đưa ra bởi người phát ngôn Lee Kyu-chul của Nhóm công tố viên đặc biệt, trong ngày chấm dứt nhiệm vụ của nhóm sau 4 tháng điều tra.

 Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần cuối cùng hôm 27/2. Ảnh AP

Trước đó, đúng như dự đoán, Tổng thống Park Geun-hye đã không có mặt trong phiên điều trần cuối cùng diễn ra hôm 27/2. Theo các nhà bình luận, Tổng thống Hàn Quốc không xuất hiện trong phiên điều trần quan trọng này là bởi bà Park không có nhiều lý do để tự bào chữa. Nhất là trong bối cảnh, các đảng phái đối lập cùng người dân muốn Tòa án Hiến pháp sớm đưa ra phán quyết luận tội Tổng thống. Bên cạnh đó, các đảng đối lập còn kêu gọi luận tội quyền Tổng thống, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn nhằm gia tăng áp lực để kéo dài tiến trình điều tra.

Trước sức ép từ chính giới và dư luận, bà Park hiện chỉ có hai con đường để lựa chọn. Thứ nhất là tự nguyện từ chức chấp nhận đối mặt với sự phản đối gay gắt của các đảng đối lập. Thứ hai là cố gắng bám trụ đến ngày 13/3 khi thẩm phán Lee Jung-mi mãn nhiệm. Nhiều khả năng bà Park sẽ chọn con đường thứ hai. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, phải có ít nhất 6/9 thẩm phán của Tòa Hiến pháp đồng ý thì phán quyết luận tội bà Park mới có hiệu lực. Hiện Tòa chỉ còn 8 thẩm phán sau khi Chánh thẩm phán Park Han-chul mãn nhiệm vào tháng 1 và thẩm phán Lee Jung-mi sẽ mãn nhiệm vào 13/3. Dù đại diện Tòa Hiến pháp khẳng định quyết tâm sẽ ra phán quyết cuối cùng về bê bối trước khi thẩm phán Lee hết nhiệm kỳ nhưng một trong các luật sư của Tổng thống Park đã khẳng định, phán quyết của Tòa án Hiến pháp với 8 thẩm phán đưa ra có thể bị kháng cáo.

Những tranh cãi về gia hạn thời gian làm việc của Nhóm công tố viên đặc biệt, thời gian ra phán quyết luận tội bà Park..., một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Hàn Quốc. Các đảng phái đối lập đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ luận tội bà Park, nhằm mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ diễn ra 60 ngày sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, và kiến nghị luận tội Tổng thống được tòa chấp thuận. Trong khi đảng cầm quyền và những người ủng hộ bà Park đã chỉ trích phe phái ủng hộ luận tội Tổng thống thực hiện mưu đồ đẩy Hàn Quốc rơi vào tình trạng vô chính phủ.

Ngoài bất ổn trên chính trường, việc “thái tử” Samsung Lee Jae-yong và 4 quan chức tập đoàn này bị Nhóm công tố viên đặc biệt kết tội hối lộ và tham ô khiến tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc lâm vào tình cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Phó Chủ tịch Choi Gee-sung và Chủ tịch bộ phận chiến lược tập đoàn Chang Choong-ki xin từ chức, hoạt động kinh doanh của Samsung đang đứng trước nguy cơ “trật khỏi đường ray”.

Diễn biến này sẽ gây thiệt hại cho tập đoàn và cả nền kinh tế Hàn Quốc do Samsung vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, chiếm 12% doanh thu và 30% lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất. Tình cảnh của Samsung cũng buộc các tập đoàn khác phải tìm cách cải tổ để tránh bị pháp luật “sờ gáy” và dẫn đến những xáo trộn nhất định trong hoạt động kinh doanh và kết cấu của nền kinh tế Hàn Quốc. Những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế đã tạo nên nhiều nút thắt mà giới lãnh đạo Hàn Quốc khó cởi gỡ trong thời gian ngắn và đẩy quốc gia này phải đối mặt với một giai đoạn đầy khó khăn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần