Bế mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/10, phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 28; quyết định một số vấn đề quan trọng theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các văn bản, các tờ trình để trình ra Quốc hội; đồng thời hoàn thiện các nghị quyết về nhân sự và nghị quyết về các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Phước để trình ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương rà soát, hoàn tất lại tất cả những nội dung, nhất là những văn bản gửi Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội hiện còn thiếu và chuẩn bị các điều kiện khác để đảm bảo cho ngày 22/10 tới Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 6 và làm việc trong vòng một tháng.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý cơ quan hữu quan chú trọng việc gửi tài liệu đúng, đủ, kịp thời để đảm bảo cho các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu và nghiên cứu sâu, cũng như chuẩn bị ý kiến để đóng góp tại Kỳ họp thứ 6.
Gần 3.000 ý kiến, kiến nghị được gửi tới Quốc hội
Trước đó, vào sáng cùng ngày, UBTV Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTV Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 365 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội và 2.611 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.
Nhìn chung, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nhờ đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định; chất lượng của nền kinh tế tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm; bảo vệ môi trường, công tác phòng chống bão, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; đối ngoại được triển khai đồng bộ, toàn diện.
Nhiều bộ, ngành đã thực hiện cải cách bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả hơn các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của thân dân.
Bên cạnh đó, cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính. Những biểu hiện tiêu cực này thường chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, hầu như không được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức.
Kịp thời phản bác, ngăn chặn các trường hợp đưa tin sai sự thật
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương một số kiến nghị, trong đó đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, triển khai thực chất, hiệu quả hơn, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã kiểu mới, tăng năng lực cạnh tranh của các đô thị, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi các chính sách, quy định, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành chương trình sách giáo khoa mới bảo đảm đầy đủ, chất lượng, đồng bộ; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, TP lớn.
Đề nghị Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra, xử lý văn bản; thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Báo cáo cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tạo niềm tin cho nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần