Bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/7, sau 2,5 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 35 để cho ý kiến về những nội dung quan trọng và quyết định một vấn đề theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Kỳ họp thứ 7 có nhiều cải tiến về mặt thời gian
Trong nội dung phiên họp thứ 35, sáng 16/7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng kể việc đóng dấu Mật một số tài liệu không thực sự cần thiết. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, chặt chẽ, tiết kiệm; có nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp; được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.
Công tác tập hợp, tổng hợp cơ bản bảo đảm kịp thời, chính xác, đầy đủ; tiếp thu, giải trình thỏa đáng, thuyết phục các ý kiến của đại biểu. Kịp thời xin ý kiến những vấn đề quan trọng để có hướng tiếp thu, chỉnh lý.
Công tác điều hành linh hoạt, sáng tạo, có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các Đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, tạo được không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả. Vai trò chủ trì kỳ họp, chỉ đạo, điều hành đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tối đa, góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Một số kiến nghị của của cử tri chưa được Chính phủ, các Bộ, ngành trả lời rõ ràng, chưa xác định thời gian giải quyết cụ thể, nhất là các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Công tác bảo đảm phục vụ có lúc, có nơi chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu Quốc hội.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV có nhiều cải tiến về mặt thời gian. Đây là kỳ họp ngắn nhất. Các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là các đạo biểu nữ, đại biểu trẻ, thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, số lượng đại biểu Quốc hội vắng mặt quá đông.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sáng 16/7

Kỳ họp thứ 8 sẽ xem xét, thông qua 10 dự án Luật
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án Luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện giám sát chuyên đề tại hội trường 01 ngày). Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 03 ngày.
Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có); và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Chủ tịch Quốc hội lưu ý những việc cần tập trung, chủ động, quyết liệt nhiều hơn nữa cần được tiến hành ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2019. Đó là khẩn trương hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 và tháng 9.
Nhấn mạnh khối lượng công việc cần xem xét tại phiên họp tháng 8 và tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tốt các công việc, không chủ quan, tránh dẫn đến việc chậm trễ trong việc chuẩn bị nội dung phiên họp, kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các nội dung cần khẩn trương chuẩn bị đó là Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, Nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội, Nghị quyết xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và một số nghị quyết khác cũng như một số luật cần được sửa đổi bổ sung, đề nghị Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ tài liệu theo đúng quy định.
 
Cho ý kiến về 4 dự án Luật
Cũng tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 04 dự án Luật gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan bám sát các kết luận của từng nội dung của phiên họp để tiếp tục hoàn chỉnh 04 dự án Luật và các báo cáo; đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành.
Cũng trong chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026; cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015, đồng ý trình lên Quốc hội quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc TP Nam Định, tỉnh Nam Định; thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần