Bến thủy nội địa ngang sông Hồng hoạt động trở lại: Không lơ là phòng, chống dịch Covid-19

Hoàng Hiệp – Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Chính phủ và TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều bến phà qua sông Hồng đã được hoạt động trở lại, đóng góp lớn trong việc vận chuyển hành khách, phương tiện và hàng hóa qua lại hai bờ sông.

Chủ và khách đều phấn khởi
Đến nay, đa số các bến phà trên địa bàn huyện Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên đã bắt đầu hoạt động trở lại. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, bến phà Vạn Phúc – Ninh Sở (thuộc địa bàn xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho thấy, người và xe qua lại khá tấp nập. Trung bình cứ khoảng 10 - 15 phút lại có một chuyến phà xuất bến di chuyển sang bến phà Dương Liệt thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, bên kia sông Hồng.
 Phà Vạn Phúc, Ninh Sở, huyện Thường Tín. Ảnh: Hoàng Hiệp
Chị Nguyễn Thị Hà (36 tuổi, trú tại huyện Văn Giang, Hưng Yên), công nhân của một nhà máy tại huyện Thanh Trì cho biết, hàng ngày, nếu chị đi làm qua bến phà Vạn Phúc thì khoảng cách từ nhà đến chỗ làm việc chỉ 7km. Trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, các bến phà tạm đóng cửa, chị phải đi vòng qua cầu Thanh Trì với quãng đường xấp xỉ 30km. “Bến phà được hoạt động trở lại chúng tôi rất vui, vừa gần vừa đỡ mất thời gian hơn so với đi qua cầu Thanh Trì” - chị Hà hồ hởi nói.
Chủ bến phà Vạn Phúc – Ninh Sở cho biết, khách qua lại bến này chủ yếu là công nhân, người buôn bán nhỏ, học sinh… Mức giá vé với người đi bộ, xe đạp là 5.000 đồng/lượt; xe đạp thồ (có hàng) 6.000 đồng/lượt; xe máy: 10.000 đồng/lượt; xe máy thồ (có hàng): 12.000 đồng/lượt; ô tô con, xe tải dưới 500kg: 30.000 đồng/lượt; xe tải dưới 1,8 tấn: 35.000 đồng/lượt; ô tô trên 1,8 tấn: 50.000 đồng/lượt…
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người, xe qua lại. “Thời gian gần một tháng buộc phải tạm dừng do phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi không có doanh thu, trong khi các loại thuế, phí, đăng kiểm… vẫn phải nộp. Do vậy khi được mở cửa trở lại, chúng tôi rất vui” - chủ bến phà Vạn Phúc – Ninh Sở chia sẻ.
Bảo đảm tuyệt đối an toàn
Các bến phà thuộc huyện Thường Tín như Mễ Sở (nối với huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); Hồng Vân, Chương Dương (nối với huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) hay bến phà Thọ An (nối huyện Đan Phượng với huyện Mê Linh) đều mới mở cửa từ ngày 27/4 do các huyện Thường Tín, Mê Linh vẫn được xếp là khu vực có nguy cơ cao dịch bệnh Covid-19.
Ông Đỗ Văn Cường - chủ bến đò Chương Dương, huyện Thường Tín cho biết, những ngày này, nhân viên trên phà luôn nhắc nhở khách đeo khẩu trang, đại đa số người dân đều có ý thức chấp hành. “Trước mùa mưa bão, bao giờ các phà cũng được đăng kiểm và trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh theo đúng quy định. Khi có bão không đủ an toàn thì chúng tôi không chạy” - ông Cường nói.
Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các lực lượng chức năng như CSGT đường thủy (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) đã tăng cường tuyên truyền đến các chủ bến đò tuân thủ nghiêm các quy định an toàn trong kinh doanh vận chuyển.
Song song với việc đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, các bến thủy nội địa còn phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian này.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Đội trưởng đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết: “Đội đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên tuần tra kiểm soát, tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi phương tiện cố tình vi phạm quy định an toàn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới” - Trung tá Đỗ Trọng Tuân cho hay.

Theo báo cáo từ Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa, hiện trên địa bàn Hà Nội có 19 bến thủy nội địa chở khách ngang sông, trong đó có 8 bến phà được phép chở ô tô. Các quận, huyện, thị xã có bến thủy nội địa là: Ba Vì 2 bến; Sơn Tây 1 bến; Đan Phượng 3 bến; Gia Lâm 1 bến; Hoàng Mai 1 bến; Thường Tín 7 bến; Phú Xuyên 4 bến. Tất cả các bến này đều được Sở GTVT cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần