Bệnh nhân và người nhà chống chọi với cái rét thấu xương

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/12, trời rét hại khiến nhiều bệnh nhân và người nhà phải mang chăn, gối và các vật dụng khác để chống rét.

Những ngày nghỉ lễ, khu vực sảnh chờ của Bệnh viện Việt Đức chỉ lác đác chưa đầy 10 người. Nơi sảnh chờ rộng, lại hút gió khiến nhiều người phải co ro trong những tấm áo rất dày.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn và một số bệnh viện khác tại Hà Nội những ngày này, lượng bệnh nhân tới bệnh viện thưa vắng hơn ngày thường rất nhiều lần
Anh Từ Duy Anh (45 tuổi, quê Hà Giang) chỉ cho phóng viên xem những chiếc túi chứa chăn bông và áo ấm mà anh vừa mua ở chợ Đồng Xuân sáng 30/12. Tất cả đều dành cho việc giữ ấm tại bệnh viện vào những ngày này. Duy Anh kể, anh cùng mẹ mình thay phiên nhau túc trực tại bệnh viện để chăm sóc người nhà bị tai nạn giao thông đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu.
Nhưng tiết trời trở rét lại kèm theo mưa khiến cho những người đến chăm nom hết sức vất vả. Họ phải nằm ngủ ở ngoài hành lang, mặc dù đã mặc áo dày mà vẫn chưa đủ ấm. “Mình phải mua thêm chăn để mang đến đắp, nếu không sẽ không thể chịu được tiết trời càng ngày càng lạnh như thế này” - Duy Anh tâm sự.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, để đảm bảo môi trường y tế cho bệnh nhân nội trú, người nhà phải chờ ở phía ngoài. Khi các ghế ngồi chờ đã chật kín, họ trải cho mình những tấm chiếu, bạt ở khu vực cầu thang thoát hiểm.
Ở một góc khác của bệnh viện, chúng tôi bắt gặp chị Trương Hồng Minh (38 tuổi) ngồi co ro một góc cùng với đứa con nhỏ, dưới chân lỉnh kỉnh những đồ đạc gồm chăn, gối. Trên người cả mẹ và con đều có áo khoác, khăn và mũ, nhưng làn da của họ vẫn trở nên trắng bệch vì giá rét. Lặn lội từ Thái Nguyên xuống chăm chồng đang điều trị tại bệnh viện, chị Minh cho biết 2 mẹ con phải thuê nhà ở gần bệnh viện. Tiền nhà, tiền phụ phí hết gần 5 triệu/tháng, tiền viện phí tính theo người thì đã tạm ứng hết hơn chục triệu.
Xuống Hà Nội tốn kém nên 2 mẹ con chị vừa xoay xở sinh sống, vừa dè xẻn tiêu pha, ngày rét cũng chẳng dám mua thêm áo ấm. Tiết trời mưa lạnh khiến con gái chị cứ than phiền rằng mình bị nhức đầu. Xót con, chị Minh đành đưa cháu tới một góc khuất kín gió, đợi đến giờ thăm bố. Chị bảo, trong phòng bệnh thì bệnh nhân được bác sĩ cho máy sưởi, chăn đệm đủ ấm nên không lo bị lạnh.
“Nhưng người nhà ở ngoài đi chăm nom thì khổ lắm, phải ngủ vạ vật ở ngoài hành lang vì trong buồng bệnh không còn chỗ và cũng không được vào ngủ. Nằm đất thì rét mà nằm trên ghế thì không có đủ chỗ, có những đêm vì lạnh quá không thể ngủ được, chỉ mong nhanh chóng hết rét để đỡ khổ”, chị Minh nói.
Mệt mỏi vì chờ đợi, có người đã ngủ thiếp đi trên nền đất lạnh. Anh Nguyễn Hữu Tuấn (47 tuổi, Hà Giang) chia sẻ, mặc dù bệnh viện đã có những hệ thống sưởi ấm nhưng người nhà bệnh nhân túc trực ở ngoài phòng bệnh vẫn lạnh, nếu không có chăn thì sẽ khó có thể chống chọi với cái giá rét hiện nay.
Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở Bệnh viện Việt Đức, mà còn xuất hiện tại nhiều bệnh viện như Bạch Mai, Xanh Pôn, Bệnh viện K,… Cái giá lạnh khiến những người vốn mang trong mình căn bệnh, nỗi đau nay còn cảm thấy khổ sở hơn khi phải chống chọi thêm cái giá rét.
Một nhân viên y tế túc trực tại Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, vào những ngày nghỉ lễ bệnh viện chỉ duy trì các hoạt động dành cho bệnh nhân nội trú, do đó với những người nhà bệnh nhân và bệnh nhân tới khám diện cấp cứu trong ngày nghỉ, lễ, Tết, nhất là khi tiết trời giá rét, họ phải tự xoay sở để giữ sức khỏe cho chính bản thân mình bằng cách mặc áo ấm, mang theo túi sưởi nếu cần và đặc biệt phải ngồi ở nơi kín gió để tránh mắc bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần