Bệnh nhân đột quỵ tăng vọt

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/1, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã thông tin tới báo chí về công tác khám chữa bệnh trong thời gian nghỉ Tết Dương lịch.

Cụ thể, trong 4 ngày qua, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu A9 tiếp nhận 130 bệnh nhân người lớn tới cấp cứu nội khoa, 40% trong số đó mắc đột quỵ, cao hơn rất nhiều lần so với ngày bình thường.
 Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Chi Lê
PGS.TS Nguyễn Văn Chi – Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 lý giải, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết đột ngột chuyển rét đậm, rét hại, tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh lý về tim mạch và huyết áp phát triển – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Bên cạnh đó, khi tiết trời trở rét đậm thì nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi dậy rất sớm để đi tập thể dục, khiến nguy cơ đột quỵ tăng rất cao. Một nguyên nhân quan trọng khác là do người dân chưa có cách so cứu đúng cách khi bệnh nhân bị đột quỵ. “Những quan niệm như không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, chích máu cho bệnh nhân hay sử dụng thuốc an cung ngưu rồi mới đưa đến bệnh viện – đều là những quan niệm sai lầm. Các bác sĩ cảnh báo, không để bệnh nhân đột quỵ vận động vì họ có thể ngã hoặc gặp nguy hiểm nhưng không có nghĩa là đặt bệnh nhân nằm một chỗ không di chuyển, đưa đi cấp cứu. Cách chích máu bệnh nhân đột quỵ đã được chứng minh không có cơ sở khoa học, không giúp cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, việc cho bệnh nhân uống an cung ngưu ngay khi bị đột quỵ là rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân bất tỉnh không thể nhai nuốt, viên thuốc có thể đi lạc gây tắc đường thở và nhiều hậu quả thảm khốc khác đã xảy ra ngay tại khoa cấp cứu” – PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói.

Do đó, để tăng cơ hội sống cho các bệnh nhân đột quỵ, điều cần thiết nhất là người dân phải hiểu đúng, có cách sơ cứu đúng cách đối với bệnh nhân. “Nếu bệnh nhân mắc chứng đột quỵ, trước hết cần xem bệnh nhân còn tỉnh táo hay bất tỉnh. Nếu bệnh nhân bất tỉnh thì không nên cho họ ăn hoặc uống các loại thuốc. Quan trọng nhất là đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân rồi nhanh chóng đưa họ tới các cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất thay vì lãng phí thời gian vào các cách sơ cứu không có cơ sở khoa học” - bác sĩ Mai Duy Tôn - chuyên gia về đột quỵ tại BV Bạch Mai khuyến cáo.

Ngày 2/1, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 29/12 đến 1/1/2019), toàn TP tiếp nhận hơn 4.300 ca cấp cứu. Trong đó, tai nạn giao thông là 295 ca, tai nạn lao động 77 ca, tai nạn sinh hoạt 313 ca, tai nạn khác 54 ca, 6 trường hợp tử vong tại viện do bệnh lý. Riêng Trung tâm cấp cứu 115 đã cấp cứu và vận chuyển 223 bệnh nhân, đặc biệt đã có 22 trường hợp tử vong với 4 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. (Trần Nga)