Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bệnh sởi ở người lớn dễ biến chứng nguy hiểm do chủ quan

Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều người lớn chủ quan cho rằng, sởi chỉ là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Thực tế, sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm. Chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Nhiều ca nặng, có 1 ca tử vong ở người lớn

Mới đây, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi đầu tiên ở người lớn trong năm 2025. Bệnh nhân tử vong do mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Sau 2 tuần dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.

Gần đây, Viện Y học Nhiệt đới liên tiếp điều trị cho nhiều ca mắc sởi nhập viện trong tình trạng nặng, có biến chứng nghiêm trọng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: BVCC

Đơn cử như bệnh nhân nam, 51 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội, có tiền sử đái tháo đường, hen phế quản. Bệnh nhân vào Viện Y học Nhiệt đới, BV Bạch Mai với chẩn đoán sởi/đái tháo đường tuýp II – THA – hen phế quản. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng dần, phải đặt ống nội khí quản, thở máy, rung nhĩ rối loạn tim mạch và có nguy cơ biến chứng nặng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (28 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) mang thai 8 tuần, nhập viện trong tình trạng sốt cao từng cơn, rét run, đau mỏi cơ, xuất hiện ban đỏ từ mặt lan xuống cổ, ngực, bụng, ho khan, ngứa họng, đi ngoài phân lỏng nước 4 lần/ngày, không đau bụng.

Bệnh nhân tự điều trị hạ sốt tại nhà, tình trạng không cải thiện. Khi vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi bội nhiễm vi khuẩn, theo dõi viêm phổi, nguy cơ cao ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Phụ nữ mang thai mắc sởi, nguy cơ cao ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh: BVCC

Tương tự, Viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam 38 tuổi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, biến chứng do sởi. Bệnh nhân tiền sử khoẻ mạnh, có hút thuốc nhưng không có bệnh lý phổi.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh, chỉ một ngày sau xuất hiện sốt nóng 39 độ, cơ thể phát ban từ mặt lan xuống tay, thân mình; ho đờm trắng đục đau họng, khó thở tăng dần, suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở máy ô xy khi chuyển tuyến. Tại Viện Y học Nhiệt đới, bệnh nhân suy hô hấp cấp mức độ nặng phải hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu và ECMO.

Người lớn chủ quan

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, Viện đã tiếp nhận hàng trăm ca sởi ở người lớn, trung bình có từ 10 - 20 ca/ngày. Các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.

Phần lớn đều chưa được tiêm phòng hoặc trước có tiêm phòng sởi nhưng không tiêm nhắc lại; có đến 75% bệnh nhân không nhớ lịch sử tiêm chủng. Các trường hợp mắc sởi thường từ 30 - 50 tuổi, chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo, các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện. Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc.

Bệnh nhân sởi biến chứng phải thở máy, lọc máu. Ảnh: BVCC

Sởi là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não. Người lớn mắc sởi thường là những người chưa bao giờ tiêm vaccine phòng sởi, người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian, những người có bệnh nền, điều trị hóa chất, ung thư…

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc sởi, cần được cách ly ngay lập tức để điều trị, tránh lây cho các trường hợp khác.

Theo các chuyên gia y tế, sởi là một bệnh truyền nhiễm và có thể phòng chống được bằng việc tiêm vaccine. Vaccine sởi có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR).

Vaccine sởi là một loại vaccine rất an toàn và hiệu quả, đã được Bộ Y tế khuyến cáo tất cả trẻ em đều cần được tiêm và tiêm nhắc lại. Việc tiêm vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Đến đầu tháng 4/2025, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sởi. Trước đó, Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng. Ngành y tế tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, TP trong phạm vi cả nước. Đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp.

Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi tại bệnh viện

Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi tại bệnh viện

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên điều trị khối u bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao tại Việt Nam

Lần đầu tiên điều trị khối u bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao tại Việt Nam

12 Apr, 06:55 PM

Kinhtedothi - Việc ứng dụng thành công kỹ thuật điều trị khối u bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao tại Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực y học Việt Nam, đánh dấu sự tiến bộ trong công nghệ điều trị, mang đến những giải pháp y khoa tiên tiến và hiện đại nhất cho bệnh nhân.

Tháng 9/2025, phải hoàn thành bệnh án điện tử trên toàn quốc

Tháng 9/2025, phải hoàn thành bệnh án điện tử trên toàn quốc

12 Apr, 12:09 PM

Kinhtedothi - Bộ Y tế đã có Quyết định 1150/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Kèm theo Quyết định này là Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhằm mục tiêu đẩy mạnh triển khai tại các bệnh viện trên toàn quốc theo đúng Chỉ thị 07/CT-TTg của Chính phủ.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ