Bệnh thành tích chưa dứt

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh (HS) không biết làm toán, đọc chậm, viết xấu... nhưng cuối năm vẫn lên lớp, thậm chí có cả giấy khen, là những chuyện "dở khóc, dở cười" đã và đang diễn ra ở một số trường. Có lẽ căn "bệnh thành tích" vẫn còn quá nặng ở cấp học này.

Xin cho con được... đúp
Nghe xót xa, nhưng là chuyện thực tế. Chị Nguyễn Thu Hồng - phụ huynh có con từng học một trường tiểu học công lập trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, học hết cả một năm học, nhưng con không biết đọc, phép tính đơn giản của lớp 1 không biết làm, cuối năm cô giáo vẫn cho lên lớp. “Sau một năm học, đọc, tính toán, con không biết gì. Gia đình hốt hoảng tìm đến gặp cô giáo chủ nhiệm yêu cầu được xem bài kiểm tra của con trên lớp, tất cả các bài đều bị điểm 1, 2 nhưng trong sổ điểm lại toàn điểm 8, 9. Sợ điểm số "ảo" sẽ làm ảnh hưởng tương lai của con, gia đình đã xin cho con được ở lại lớp 1. Tuy nhiên, yêu cầu đó không được giáo viên (GV) cũng như Hiệu trưởng chấp thuận” – chị Hồng chia sẻ. Vì thế, chị Hồng đã quyết định chuyển con sang học một trường quốc tế. Qua hè này, con chị lên lớp 3 và tiến bộ rất nhiều trong nhiều hoạt động cũng như học tập. “Ở môi trường mới, dù thành tích học tập của con chỉ đạt 6 - 7 điểm, nhưng điểm số là thực chất của bản thân cháu. Tôi muốn con được đánh giá năng lực thực sự, chứ không phải những điểm số "ảo". Nếu phụ huynh vì muốn con cùng tiến với bạn, lại bằng mọi giá để điểm 5 thành điểm 7 - 8; GV vì thành tích của lớp, trường cũng lại cho HS lên lớp..., như thế phụ huynh sẽ tự “giết" con, GV làm hỏng nền giáo dục” – chị Hồng bày tỏ.

Học sinh lớp 1, trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng

Đây không phải việc riêng của gia đình chị Hồng, còn nhớ cách đây 2 năm, một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Hoàng Mai tâm sự, con chị học cả năm mà không biết đọc, nhưng GV lo ảnh hưởng đến thành tích của lớp, trường nên vẫn “vo méo thành tròn”. “Do bận rộn công việc, hơn nữa nghĩ con học lớp 1, kiến thức chẳng có gì ngoài đọc vần, tập đếm, làm các phép tính đơn giản nên gia đình không quan tâm nhiều việc học của con. Chỉ khi hết năm học, mới phát hiện cháu gần như mù tịt về các phép tính, đọc ghép vần cũng khó khăn... nên muốn đến trường xin cho con được học lại lớp 1, dù trường đã tổng kết, vẫn cho con lên lớp” - phụ huynh này chia sẻ.
Không nên tạo áp lực
Trao đổi về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng HS ngồi "nhầm" lớp không quá hiếm; từ điểm trung bình lên khá, khá lên giỏi cũng là chuyện không hiếm. Một trong những nguyên nhân là do “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục. Trong đó, thành tích được Bộ GD&ĐT áp xuống Sở GD&ĐT, Sở áp xuống Phòng GD&ĐT, Phòng lại áp xuống Hiệu trưởng, Hiệu trưởng ép xuống GV. Thêm các tiêu chí để đạt được trường chuẩn quốc gia... khiến căn “bệnh thành tích” ngày càng nặng.
Chính những người làm trong ngành giáo dục cũng thừa nhận, căn bệnh ngồi "nhầm" lớp do GV chịu quá nhiều áp lực. Ví dụ ngay đầu năm học, GV phải đăng ký các danh hiệu thi đua, bao nhiêu phần trăm HS giỏi, phần trăm HS khá, tỷ lệ phần trăm HS trung bình... Nếu GV để HS lưu ban, hoặc lớp có nhiều HS yếu, trung bình sẽ bị Ban Giám hiệu phê bình, cắt thi đua khen thưởng cuối năm, ảnh hưởng đến việc tăng lương GV, trường bị Phòng GD&ĐT cắt thi đua... Thế nên, rất nhiều GV cho rằng, để “điều trị” triệt để “bệnh thành tích”, ngành giáo dục cần có chiến lược mang tính hệ thống trong việc thay đổi tư duy từ việc học chạy theo thành tích sang học thật, đánh giá đúng thực tế. Muốn có chất lượng giáo dục thực sự, hãy để GV nhận xét, cho điểm thực chất. Đặc biệt, cấp trên đừng áp thành tích xuống dưới. Thêm vào đó, bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) còn cho rằng, danh hiệu “chuẩn quốc gia” vẫn là cần thiết để các trường có mục tiêu phấn đấu, tuy nhiên, trong giáo dục thì hoàn toàn không nên có áp lực về thành tích, bởi vì đó không chỉ là áp lực lên GV mà còn lên chính HS và phụ huynh.
Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích, mục đích ban đầu của các phong trào thi đua là rất tốt, hướng con người và xã hội đến chân - thiện - mỹ; thúc đẩy mọi mặt của đời sống xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, nhiều phong trào bị làm “méo mó”, xa dần mục tiêu ban đầu. Ngoài ra, có những GV nghĩ rằng việc dạy học, cho điểm thế nào là việc của họ, mặc kệ nhà trường muốn đưa ra chỉ tiêu thế nào thì đưa, họ cứ cho HS điểm tốt dù HS đó chưa xứng đáng để đạt được thành tích.
Chúng ta vẫn có những tiêu chí mục tiêu đặt ra, nhưng đừng áp xuống trường những chỉ tiêu xa rời thực tế. Bên cạnh đó cần phải có một sự thay đổi đồng bộ về cách đánh giá, kiểm tra trong nhà trường. Bởi, mỗi HS sẽ có những năng lực riêng, chưa kể có những HS chậm, HS bị bệnh tự kỷ... GV không thể dạy đều phủ khắp được. Do vậy, chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, đặc thù của từng môn, từng trường, từng vùng… không để các trường “cuốn” vào việc chạy theo thành tích.
TS Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần