Bệnh viện Bạch Mai tiến tới xóa bỏ giường dịch vụ theo yêu cầu: Một hướng đi phù hợp, cần thiết

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận xã hội tuần qua là việc Bệnh viện Bạch Mai tuyên bố xóa bỏ các dịch vụ và tiến tới bãi bỏ giường theo yêu cầu.

Rất nhiều ý kiến hoan nghênh quyết định này của Bệnh viện Bạch Mai với quan điểm cho rằng chấm dứt dịch vụ giường yêu cầu chính là xóa bỏ sự bất bình đẳng trong y tế công, để không còn tình trạng người có tiền nằm phòng riêng, trong khi các bệnh nhân khác phải nằm ghép, đến 2 - 3 người một giường bệnh.
Cần nhắc lại là loại giường theo yêu cầu ra đời tại các bệnh viện công bắt nguồn từ tình trạng quá tải ở một số bệnh viện công, nhất là ở tuyến cuối, bệnh nhân phải nằm ghép, nhiều khi đến 3 người một giường.
Dịch vụ giường theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu những người có điều kiện, sẵn sàng trả mức chi phí cao để được nằm phòng riêng và có chế độ phục vụ tốt hơn. Như vậy, có thể nói trong một thời điểm nhất định, loại hình dịch vụ này đã đáp ứng một nhu cầu có thật và chính đáng của một bộ phận người dân trong xã hội. Dịch vụ này cũng góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên các bệnh viện.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc áp dụng dịch vụ giường theo yêu cầu cũng đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa các đối tượng người bệnh tại các bệnh viện công, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức… Phải nằm điều trị ở các bệnh viện đầu ngành hầu hết là bệnh nhân nặng, nhiều khi thập tử nhất sinh.
Đối với họ, việc được điều trị ở các bệnh viện này là chuyện sống còn, còn điều kiện giường bệnh thế nào không mấy quan trọng. Mặt khác, trong điều kiện các bệnh viện thường xuyên quá tải, thiếu giường bệnh, diện tích hạn chế, việc một người nằm phòng theo yêu cầu có thể làm mất cơ hội của 3 - 4 người khác.
Những năm gần đây, nhiều cơ sở y tế ngoài công lập có điều kiện khám và chữa bệnh với chất lượng cao được thành lập, đồng nghĩa với việc xóa bỏ giường yêu cầu ở bệnh viện công có thể thực hiện. Những người có khả năng kinh tế nếu muốn được phục vụ tốt, hưởng dịch vụ chất lượng cao có thể tới các cơ sở đó mà vẫn có sự trợ giúp của các bác sĩ giáo sư đầu ngành.
Còn các bệnh viện công với điều kiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực được xây dựng, đào tạo từ ngân sách nhà nước có sự đóng góp của người dân là nơi cứu chữa cho mọi bệnh nhân một cách bình đẳng, không có ngoại lệ, phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Trở lại vấn đề xóa bỏ giường yêu cầu của Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ: “Với việc lấy chất lượng làm cốt lõi thì khoảng cách giữa giường yêu cầu và giường bình thường sẽ được xóa nhòa”. Có thể nói, đây chính là một hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững.
Nếu thực hiện được điều này sẽ đến lúc giường theo yêu cầu không còn lý do để tồn tại ở các bệnh viện công, đặc biệt là các bệnh viện đầu ngành, nơi đặt niềm hi vọng sống còn của các bệnh nhân nặng, mà theo đạo đức ngành y thì họ bình đẳng với quan điểm: Không có bệnh nhân “vip”, chỉ có bệnh nhân nặng cần được quan tâm, cứu chữa một cách tương xứng. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc cứu chữa cho các bệnh nhân mắc Covid-19 thời gian vừa qua, mà trường hợp bệnh nhân số 19 vừa được công bố khỏi bệnh hôm 27/5 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 là một ví dụ.
Hiện tại có thể còn những quan điểm khác nhau, song đa phần người dân đều hy vọng rằng với cách làm và hướng đi của Bệnh viện Bạch Mai, sẽ có nhiều bệnh viện công dần xóa bỏ giường yêu cầu, tiến tới thực hiện sự bình đẳng hoàn toàn về dịch vụ y tế công trên khắp cả nước. Tất nhiên, đây không phải việc có thể làm trong một sớm một chiều và còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi bệnh viện.
Song điều có thể khẳng định là cách làm của Bệnh viện Bạch Mai với tinh thần tất cả vì người bệnh là hoàn toàn phù hợp, cần thiết. Để làm được điều đó, cần một biện pháp căn cơ, lâu dài, mang tính bền vững, đó là từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của từng cơ sở y tế công ở mọi cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần