Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Cải tạo sớm ngày nào tốt ngày ấy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Việc cải tạo, sửa chữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã bức thiết lắm rồi, bởi sự xuống cấp là quá nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh" - PGS.TS Nguyễn Công Tố, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BV) Xanh Pôn khẳng định.

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Cải tạo sớm ngày nào tốt ngày ấy - Ảnh 1
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Nguồn ảnh: Internet
 
Nhiều người cho rằng, là một BV hạng I của Thủ đô, nhưng cơ sở vật chất ở BV Xanh Pôn lại quá nhiều hạn chế?
 
- Đúng thế, mặc dù năm 1956 BV chính thức trở thành BV công lập, tiếp nhận và điều trị cho cán bộ và nhân dân Hà Nội, nhưng đã được xây dựng từ năm 1911. Cho đến nay, BV đã được công nhận là bệnh viện hạng I của Thủ đô, với bốn chuyên khoa đầu ngành, gồm 570 giường bệnh, 43 khoa phòng, một khu khám bệnh. Phần lớn đội ngũ cán bộ, bác sĩ của BV đều có chuyên môn cao, thái độ phục vụ tốt, cho nên đây là cơ sở khám, chữa bệnh uy tín ở Thủ đô và cũng là nơi tiếp nhận rất nhiều người bệnh từ các tỉnh, từ các tuyến dưới chuyển về. Do đã được xây dựng cách đây 101 năm, dù qua nhiều lần tu sửa, nhưng hiện tại về mặt cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường đã quá yếu. Cộng với việc số lượng người đến khám chữa bệnh tăng, gây quá tải cho BV.

Ông có thể nói cụ thể hơn việc xuống cấp ở BV hiện nay?

- Ngoài khối nhà 4 tầng phía giáp đường Trần Phú là công trình mới được xây dựng cách đây hơn mười năm, tất cả các khối nhà còn lại của các khoa Xương, Tiết niệu, Nội 1, Giải phẫu bệnh lý, Phục hồi chức năng, Xét nghiệm, Nội 2, Dược, Đông y, khu vực chẩn đoán hình ảnh, nhi, nhà nội trú 1..., đều đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không nói là rất nguy hiểm. Các khu nhà này được xây dựng theo kiến trúc Pháp, tường chịu lực, trần vôi rơm, mái ngói kết hợp với hệ xà-gồ, cầu phong, li-tô gỗ. Đến nay, tường đã rạn nứt nhiều, vữa trát bị mục, bong tróc, ẩm mốc. Hệ trần vôi rơm thường xuyên bị dột thấm, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Cứ có mưa bão là nước đổ thẳng từ trên tầng xuống, cửa lung lay, nền khấp khiểng, cống rãnh ngập. Thậm chí có nơi không thể làm buồng bệnh được nữa. Tôi ví dụ như khoa Xương ngày nắng thì nóng nực, ngày mưa thì dột nước. Nhiều người bệnh điều trị dài ngày tại đây, mỗi khi mưa, họ phải lấy chậu hứng nước mưa trong phòng. Phòng hậu phẫu, phòng rửa dụng cụ, phòng vệ sinh... lúc nào cũng ẩm mốc, mọc rêu xanh, khó có thể bảo đảm điều kiện vô trùng.

Như vậy, BV không thể duy trì mãi tình trạng sập xệ và xuống cấp ấy, thưa ông?

- Thực sự, BV cũng đã nhiều lần sửa chữa chỗ này, nâng cấp chỗ kia, nhưng rất cần cải tạo, nâng cấp một cách triệt để, mới đảm bảo được công tác khám chữa bệnh cho người dân. Đây không chỉ là nỗi niềm của gần 1.000 cán bộ nhân viên y tế BV mà là sự mong mỏi, là yêu cầu cấp thiết của người bệnh. Nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đến đây trao đổi kinh nghiệm đều có nhận định, BV có kỹ thuật tốt, tay nghề cao, nhưng cơ sở hạ tầng quá hạn chế. Bởi thế, khi UBND TP Hà Nội có dự án cải tạo, nâng cấp BV ai cũng mừng, vì dự án hoàn thành sẽ đảm bảo môi trường, cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn.

Theo ông, dự án sau khi hoàn thiện, BV Xanh Pôn sẽ có diện mạo như thế nào?

- Dự án trước khi được duyệt đã lấy ý kiến cán bộ nhân viên, các ngành chức năng, đảm bảo hai việc là chỉnh trang cơ sở vật chất, vừa tạo điều kiện cơ sở để ứng dụng kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh. Do BV nằm ở khu vực trung tâm thành phố, có kiến trúc đặc thù, nên phương án thiết kế được nghiên cứu theo hướng giữ nguyên hình dạng kiến trúc cũ, có kiến trúc hài hòa với cảnh quan, giữ nguyên những biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh. Mặt khác, theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, BV Xanh Pôn được giao xác định trở thành một BV kiểu mẫu, là trung tâm ứng dụng thực hiện những kỹ thuật cao, chất lượng cao của ngành. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng việc cải tạo, sửa chữa tổng thể BV là hết sức cấp thiết, không thể chờ thêm vì rất có thể xảy ra những tai nạn oan do lở tường, mưa bão. Hơn nữa, việc cải tạo sẽ giải quyết tình trạng quá tải của BV hiện nay, tránh được hiện tượng nằm đôi, nằm ba. Bởi, diện tích sàn có thể không tăng lên, nhưng công suất sử dụng sẽ được đẩy lên rất cao, sẽ áp dụng được kỹ thuật tiên tiến, thậm chí là những kỹ thuật ngang tầm các BV T.Ư.

Dự án hiện đã bước đầu được triển khai, nhưng để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, BV đã có sự tính toán, kế hoạch điều chuyển phòng, ban, giường bệnh. Gần 1.000 cán bộ, nhân viên y bác sĩ BV Xanh Pôn và hàng vạn bệnh nhân đang ngày đêm mong mỏi dự án sớm triển khai để việc khám chữa bệnh được bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần