Lộ trình của Bộ Y tế là đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và cả khấu hao tài sản. Từ đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định một mức giá chung đối với mỗi loại dịch vụ y tế, áp dụng chung cho hệ thống tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc. Vì vậy, việc các BV phải tự chủ hoàn toàn là tất yếu. Thực hiện cơ chế tự chủ nghĩa là các BV công lập hoàn toàn độc lập về tài chính, tự cân đối thu chi, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi ấy, nguồn thu chính của các BV là từ bệnh nhân. BV nào không thu hút được người bệnh sẽ không thể tồn tại, điều này bắt buộc đơn vị công lập phải đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trong khi đó, nhiều BV tuyến huyện có cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế xuống cấp, bệnh nhân vẫn còn tâm lý thích “vượt tuyến”. Hơn nữa, hầu hết BV đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
|
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hải Linh |
BV Đa khoa Hoài Đức mỗi ngày tiếp đón 400 – 500 lượt bệnh nhân. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, BV đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Nhận được sự giúp đỡ của các BV tuyến trên, các bác sĩ BV Đa khoa Hoài Đức đã làm chủ được nhiều kỹ thuật phức tạp như thay khớp háng, thay chỏm xương đùi, đóng đinh nội tủy xương, thay khớp gối… Tuy nhiên, nếu chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, BV Hoài Đức cũng đứng trước thách thức không nhỏ. Theo bác sĩ Đoàn Trịnh Trường - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức, hiện cơ sở vật chất của BV vẫn còn thiếu thốn, phòng ốc, nhà cửa xây dựng từ lâu, xuống cấp. Cùng với đó, nguồn ngân sách hạn hẹp ảnh hưởng đến việc đầu tư cho công tác khám chữa bệnh.
Khó hút người bệnhLà đơn vị có vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thời gian qua, BV Đa khoa Chương Mỹ đã chú trọng đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao y đức, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đặng Trần Chiến - Giám đốc BV, hiện các văn bản hướng dẫn về vấn đề tự chủ tài chính chưa đồng bộ. Nhân lực BV tuyến huyện vẫn còn rất thiếu, đặc biệt là các bác sĩ có tay nghề chuyên sâu. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Chính vì vậy, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà đến tuyến dưới.
Chị Trần Thu Vân (thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ) chia sẻ, con chị hay bị viêm phế quản, mỗi lần con bị bệnh, dù không nặng nhưng gia đình chị vẫn đưa con lên Viện Nhi T.Ư khám và điều trị. Thực tế, chị cũng như nhiều người dân nơi đây chưa thực sự yên tâm khi điều trị tại tuyến dưới.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, dù một số BV tuyến huyện đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhưng tâm lý người bệnh vẫn yên tâm hơn khi lên các tuyến T.Ư để khám chữa bệnh. Đơn cử như việc sinh nở, nhiều chị em đi khám, siêu âm trước sinh sức khỏe rất tốt, thai nhi khỏe mạnh nhưng lại không chọn sinh con ở tuyến huyện mà vẫn muốn lên BV Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội. Do đó, BV tuyến huyện càng gặp khó khăn hơn trong việc thu hút bệnh nhân để tăng nguồn thu.
Thực tế, các BV tuyến trên thực hiện tự chủ đã "hút" người bệnh ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích người dân bỏ qua việc điều trị ở tuyến dưới. Việc này dẫn đến tình trạng tuyến dưới lèo tèo, tuyến trên quá tải trầm trọng. Bên cạnh đó, nhiều BV như: Lao phổi, Phong - Da liễu, Tâm thần... không thể tự nuôi mình. Đây là những cơ sở y tế điều trị các bệnh xã hội, phần lớn thu hút bệnh nhân nghèo, nếu tự chủ tài chính, tự trả lương cho cán bộ, nhân viên là không thể kham nổi. Do đó, những BV này cần có những cơ chế riêng để hoạt động.