Bệnh viện phổi Hà Nội: Tư vấn và điều trị hiệu quả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội đã luôn tích cực trong công tác chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, đặc biệt, có nhiều giải pháp đẩy lùi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) mang lại hiệu quả cao. Hàng nghìn ca bệnh được việc phát hiện và điều trị sớm COPD, làm giảm diễn biến nặng, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội.

 Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội tiếp đón bệnh nhân. Ảnh: Trần Thảo

Sẵn sàng sống chung với bệnh
Tuy mới vào viện được vài giờ đồng hồ nhưng bệnh nhân Nguyễn Văn Quang (57 tuổi) trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đã phải thở bằng oxy. Bệnh nhân cho biết, ông chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cấp độ 4 đã hơn 10 năm nay. Năm nào, ông cũng vào viện 6 - 7 lần, thậm chí có năm 10 lần. Thời gian gần đây, một phần ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí ở Hà Nội nên bệnh của ông trở nặng, thường xuyên bị tắc nghẽn, khó thở, ho nhiều, mất ngủ. “Dù xác định phải “sống chung” với bệnh nhưng tôi thực sự thấy yên tâm khi được các bác sĩ ở đây chăm sóc, điều trị và hướng dẫn những bài tập hồi phục chức năng mang lại hiệu quả cao”- ông Quang chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội rất đáng lo ngại. Người dân khi đi ra đường phải tự trang bị, phòng hộ cho bản thân và gia đình bằng các loại khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn y tế, đeo kính mắt, vệ sinh mũi, mắt, súc miệng…

Với những nhà ở gần đường lớn nên đóng cửa sổ nhằm hạn chế bụi, trang bị điều hòa, máy lọc không khí ở trong nhà. Đặc biệt, gia đình có người mắc hen, nên trang bị máy lọc không khí chuyên dụng dành cho người hen phế quản.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Quang, bệnh nhân Dương Văn Toản (65 tuổi) trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ năm 2007 đến nay. Mỗi năm, ông vào viện từ 5 - 7 lần, có năm 9 lần. Mỗi lần, ông nằm viện điều trị từ 17 - 20 ngày. 12 năm kiên trì chữa bệnh, ông Toản đã quá quen với những biểu hiện của bệnh, cảm giác lúc nào cũng trong tình trạng nghẹt thở, nghẽn mạch do đường thở quá hẹp. “Với những đợt cấp, tôi phải vào viện để điều trị kháng sinh chống viêm, chống bội nhiễm, điều trị hỗ trợ giãn phế quản, thở oxy, thông khí…” - ông Toản cho hay.
Cũng theo bệnh nhân Toản, từ khi điều trị tại BV Phổi Hà Nội đến nay, ông thấy khỏe và lạc quan hơn khi được sinh hoạt ở câu lạc bộ dành cho người COPD. Ở đó, ông cùng các bệnh nhân khác không còn cảm giác đau đớn, khó thở mà chỉ thấy những nụ cười, những lời chia sẻ ý nghĩa về cuộc sống cũng như về bệnh lý.
Hiệu quả từ phương pháp điều trị COPD
Ths.BS Chu Thị Cúc Hương - Phụ trách Phòng khám tư vấn COPD, hen phế quản, Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Phổi Hà Nội cho biết, hiện đang là thời điểm giao mùa nên bệnh nhân nhập viện gia tăng. Phòng khám tư vấn hen phế quản và COPD đang quản lý 800 - 1.000 bệnh nhân; 600 - 700 bệnh nhân thường xuyên đến tái khám. Lượng bệnh nhân đến khám tại BV cứ năm sau lại cao hơn năm trước.
Theo bác sĩ Hương, bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp, có những bệnh nhân nặng, biểu hiện mệt, nói ngắt quãng, cần can thiệp ngay. Thông thường, bệnh nhân cấp cứu kịp thời và đều qua cơn nguy kịch, sau đó sẽ được điều trị tại khoa chuyên điều trị bệnh phổi tắc nghẽn.
Chia sẻ về hiệu quả của phương pháp điều trị COPD, bác sĩ Hương cho biết, những bệnh nhân được quản lý, họ biết cách dùng thuốc, được hướng dẫn, điều trị thì khi đó bệnh nhân cũng là bác sĩ của chính mình.
Với COPD, đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời, với những đợt cấp, bệnh nhân phải vào viện để điều trị kháng sinh chống viêm, chống bội nhiễm, điều trị hỗ trợ giãn phế quản, thở oxy, thông khí… Với những bệnh nhân điều trị ngoại trú, BV đã có hướng điều trị dự phòng cho bệnh nhân bằng giãn phế quản tác dụng kéo dài. Ngoài ra, BV còn làm xét nghiệm đờm để có thể phát hiện ra bệnh nhân lao, điện tim, siêu âm tim, làm xét nghiệm máu phát hiện các bệnh đồng mắc kèm theo để điều trị hiệu quả.
Với bệnh nhân BHYT, sẽ được hưởng các quyền lợi như: Được khám, xét nghiệm, tư vấn, cấp phát thuốc, được sinh hoạt trong Câu lạc bộ Vì sức khỏe 2 lá phổi. Câu lạc bộ có hơn 200 bệnh nhân đến từ 30 quận, huyện và một số tỉnh khác. Tại đây, bệnh nhân được tham gia các hoạt động văn nghệ, được lắng nghe, chia sẻ những kinh nghiệm về cách điều trị COPD cũng như được hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kiến thức, điều trị COPD với những bài tập sẵn sàng hồi phục chức năng mang lại hiệu quả cao…
Ngoài ra, có những bệnh nhân nặng không đến được BV, các bác sĩ chia sẻ những kinh nghiệm điều trị cũng như hướng dẫn trực tiếp cho bệnh nhân để giảm, cắt được cơn bất kể ngày đêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần