Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh: Vì sao hệ thống xử lý nước thải chậm tiến độ?

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển , Uông Bí, Quảng Ninh là một trong những bệnh viện lớn nằm giáp ranh với huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Hiện tại bệnh viện này đang dùng 04 hồ sinh học để làm nhiệm vụ xử lý nước thải. Sau đó nước sẽ được xả trực tiếp về hồ Tân Lập.
 Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển
Theo lãnh đạo bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển cho biết; đây là một trong những bệnh viện được xây dựng từ những năm 1981, vì thế 04 hồ sinh học có nhiệm vụ xử lý hệ thống nước thải của toàn bệnh viện cũng ra đời từ khi có bệnh viện. Trong quá trình thực hiện hệ thống 04 hồ vẫn thực hiện tốt nhưng đến nay nó đã bị quá tải. Xuất phát từ việc bệnh viện được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bệnh viện thuộc dự án “ hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” vốn vay ngân hàng thế giới. Nên bệnh viện đã tiến hành xây dựng các hạng mục từ tháng 4/2017 bao gồm; nhà điều hành, bệ đặt thiết bị, bể điều hòa, hệ thống thu gom nhà lưu trữ chất thải, cung cấp lắp đặt hệ thống thiết bị xử lý nước thải, trạm xử lý nước thải hoàn toàn bằng công nghệ tự nhiên từ vi sinh với công suất 800m3/ngày. Với tổng vốn lên tới 28,5 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng thế giới là 24,4 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.

Đến tháng 12/2017 trạm xử lý bắt đầu hoạt động chạy thử, theo kế hoạch thì chạy thử đến tháng 6/2018 nhưng đến thời điểm hiện tại sau 6 tháng đi vào vận hành chạy thử công trình này vẫn chưa được bên nhà thầu bàn giao cho bệnh viện. Lí do mà bên nhà thầu đưa ra là căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng nước thải đầu ra của hệ thống xử lý nước thải bệnh viện. Do thời điểm ban đầu hệ thống mới đưa vào vận hành có một tiêu chí nước thải chưa đạt theo QCVN 28:2010/BTNMT. Ngay sau khi có kết quả phía nhà thầu đã theo dõi căn chỉnh lại các thông số của hệ thống xử lý nước thải, đến hiện tại hệ thống hoạt động bình thường, ổn định chất lượng nước thải sau xử lý đủ điều kiện theo quy chuẩn nước thải đầu ra.

Trước vấn đề nêu trên phía bệnh viện cũng đã nhiều lần đôn đốc nhà thầu cần sớm hoàn thiện để bàn giao công trình cho bệnh viện phải đảm bảo tốt các quy trình kỹ thuật cho bệnh viện từ khâu chạy thử đến các công việc liên quan bảo vệ môi trường.

Sở Tài Nguyên & Môi trường cũng đã có văn bản yêu cầu đơn vị đẩy nhanh tiến độ vận hành thử tải, khẩn trương đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành chính thức, đảm bảo xử lý nước thải bệnh viện theo quy chuẩn. Sau khi hoàn thành toàn bộ các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu tại Quyết định đề án phê duyệt chi tiết, yêu cầu đơn vị gửi văn bản báo cáo việc hoàn thành các công trình đến Bộ y tế để kiểm tra theo quy định.

Như vậy cho đến thời điểm hiện tại trạm xử lý nước thải chưa chính thức đi vào hoạt động, trong khi 04 hồ sinh học không đáp ứng đủ nhu cầu cho bệnh viện bởi theo lãnh đạo bệnh viện thì mỗi ngày bệnh viện này sẽ thải khoảng 500m3/ngày. Trong khi đó sau khi được xử lý thì nước thải sẽ được xả ra hồ Tân Lập. Đây cũng là một trong những vấn đề cần được giải quyết triệt để vì hiện tại xung quanh hồ dân cư sinh sống rất đông, họ vẫn dùng nước từ hồ Tân Lập để phục vụ công tác tưới tiêu. Thời gian tới nếu trạm xử lý đạt quy chuẩn đi vào hoạt động thì nước thải sau khi được xử lý sẽ không còn thải ra hồ Tân Lập, điều này giúp cho cuộc sống người dân được ổn định, bớt đi tâm lý lo lắng về ảnh hưởng đến môi trường sống của họ./.