Bị bác kháng cáo, Đoàn Thị Hương phản ứng tuyệt vọng

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề nghị hủy truy tố Đoàn Thị Hương đã bị tòa án Malaysia bác bỏ trong phiên biện hộ ngày 14/3.

Sáng 14/3, các công tố viên Malaysia đã từ chối đề nghị hủy truy tố, thả tự do cho bị cáo Đoàn Thị Hương, trong vụ án sát hại công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol, được cho là Kim Jong-nam, theo Reuters.

Quyết định "thiếu công bằng"

"Liên quan đến kháng nghị được đệ trình lên ngài Bộ trưởng Tư pháp hôm 11/3, chúng tôi đã nhận được lệnh tiếp tục vụ án", trưởng công tố Malaysia Muhammad Iskandar Ahmad nói tại Tòa án Tối cao Shah Alam ở ngoại ô Kuala Lumpur trong phiên tòa biện hộ đối với Đoàn Thị Hương, theo AFP. 

 Hình ảnh Đoàn Thị Hương trước phiên tòa ngày 14/3. 

Theo đó, Đoàn Thị Hương sẽ phải tiếp tục quá trình xét xử tại tòa án vào hôm 1/4. Nhóm luật sư của Đoàn Thị Hương khẳng định đây là quyết định “thiếu công bằng”.

Đội ngũ luật sư của Hương đã yêu cầu các công tố viên thả tự do cho Hương, trên cơ sở tương tự như Aisyah, khẳng định rằng “không công bằng” nếu chỉ phóng thích một trong hai đồng nghi phạm.

"Có Chúa biết tôi và Siti Aisyah không làm gì cả”, Hương nói tại phiên tòa sáng 14/3.

Luật sư Hisyam Teh Poh Teik của Đoàn Thị Hương gọi quyết định này của tòa là “đáng thất vọng”. “Quyết định không thả tự do (Đoàn Thị Hương) không phù hợp với hệ thống luật pháp”, luật sư này nói.

Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh chia sẻ với CNN rằng Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam đã gửi thư cho Tổng chưởng lý của Malaysia yêu cầu trả tự do cho Hương.

"Cô ấy khá lo lắng và yếu ", CNN trích lời Đại sứ Lê Quý Quỳnh về tình trạng của Đoàn Thị Hương sau khi biết quyết định của tòa án Malaysia.

Trong khi đó, Thẩm phán Azmi Ariffin khẳng định lý do hoãn phiên tòa và không ngay lập tức thả Hương là do Hương có vẻ “không khỏe” và yêu cầu bác sỹ kiểm tra tình hình sức khỏe bị cáo.  

Theo Straitimes, Đoàn Thị Hương đến tòa án với áo chống đạn và khăn trùm đầu màu đỏ, tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử đã diễn ra trong vòng một năm rưỡi qua liên quan tới vụ ám sát công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong Nam tháng 2/2017 tại sân bay Kuala Lumpur.

 Đoàn Thị Hương được dẫn giải đến tòa án hôm nay. Ảnh: AFP

Trước đó vào hôm 11/3, nữ công dân Indonesia, Siti Aisyah, một trong hai nghi phạm chính của vụ án đã được thả tự do sau khi tòa án Malaysia hủy truy tố đối với bị cáo này.   

Siti cùng nghi phạm Việt Nam Đoàn Thị Hương đã bị buộc tội đầu độc công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong-nam bằng chất độc thần kinh VX thuộc danh mục vũ khí hóa học bị cấm, tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.

 Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn đến tòa án Shah Alam sáng 14/3. Ảnh: Reuters

Chiến dịch của Indonesia

Hai người phụ nữ luôn phủ nhận cáo buộc giết người trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, một mực khẳng định họ đã bị các điệp viên Triều Tiên lừa để thực hiện vụ giết người theo kiểu Chiến tranh Lạnh bằng cách sử dụng chất độc thần kinh cực độc và tin rằng đây là trò chơi khăm trong một chương trình truyền hình thực tế.

Luật sư của cả hai khẳng định họ là “vật tế thần” và tội phạm thực sự là bốn nghi phạm Triều Tiên đã trốn thoát ngay sau vụ việc.

Straitimes khẳng định, Indonesia đã thực hiện một "chiến dịch ngoại giao" góp phần vào việc phóng thích nghi phạm Aisyah, trong đó Bộ trưởng Tư pháp nước này đã viết thư gửi Tổng chưởng lý Malaysia yêu cầu thả tự do cho Aisyah. 

Ngay sau khi nghi phạm Indonesia được thả tự do, chiều ngày 12/3, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah liên quan đến vụ án, khẳng định lãnh đạo cấp cao và dư luận Việt Nam hết sức quan tâm đến quá trình xét xử cũng như kết quả vụ việc này và đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương.

Trước đó, Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên ra lệnh ám sát công dân Triều Tiên được cho là Kim Jong Nam.