Việc hoán đổi nhà không đúng quy định Chính phủ
Ngày 16/3, phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp; Nguyễn Thành Tài - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng thuộc cấp tiếp tục với phần xét hỏi.
Chủ tọa gọi hỏi ông Thân Vĩnh Long (Nguyên Phó Phòng quản lý nhà và công sở Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án) về vai trò của ông Long trong vụ hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (Công ty Diệp Bạch Dương - PV) với tài sản số 185 Hai Bà Trưng của Trung tâm ca nhạc nhẹ TP. Ông Thân Vĩnh Long cho biết được cử tham gia họp Ban chỉ đạo 09 thay ông Đỗ Phi Hùng (lúc đó làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng) đúng một lần vào ngày 9/9/2009 để bàn thống nhất chủ trương hoán đổi 2 tài sản. Ông Long không tham gia phát biểu ý kiến, chỉ nắm nội dung cuộc họp rồi báo cáo ông Hùng. Ông Đỗ Phi Hùng không chỉ đạo gì đối với ông Long và Ban chỉ đạo 09 trong việc hoán đổi tài sản trên.
Khi được hỏi về vụ hoán đổi nhà, ông Đỗ Phi Hùng (Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án) cho biết ông là thành viên Ban chỉ đạo 09 và cử ông Long tham gia cuộc họp với Sở Tài chính. Ông Long có báo cáo kết quả cuộc họp, nhưng ông Hùng không chỉ đạo gì vì đầu mối chủ trì hoán đổi là Sở Tài chính.
“Tôi chỉ ký văn bản số 5069/SXD-QLN&CS ngày 28/3/2010 trả lời về pháp lý đối với phần tài sản là nhà trên đất tại 185 Hai Bà Trưng để Sở Tài chính làm căn cứ định giá hoán đổi tài sản. Đồng thời đề xuất UBND TP xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với nhà 57 Cao Thắng theo thông báo số 22 của Văn phòng UBND. Do căn nhà đã được Công ty Diệp Bạch Dương đem thế chấp vay vốn nên không thể chuyển giao và không thể xác lập được quyền sở hữu dù ông Nguyễn Hữu Tín lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP đã ký. Trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, tôi có bản tường trình cho rằng việc hoán đổi không đúng quy định của Chính phủ”, ông Hùng nói.
Thời buổi này cái gì cũng có thể… giả mạo!
Đại diện Viện KSND gọi hỏi đại diện Agribank TP Hồ Chí Minh về hợp đồng thế chấp tài sản số 1700- LCP-200801538 ngày 31/12/2008 (đảm bảo cho một phần hợp đồng tín dụng số 1700-LAV-200802616 ngày 31/12/2008 là 8.700 lượng vàng), Công ty Diệp Bạch Dương có văn bản nào gửi Agribank TP Hồ Chí Minh để xin mượn lại giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ số 313/2008/GCN-QSHNƠ&QSDĐƠ (giấy chứng nhận số 313 - PV) cấp ngày 15/12/2008 tại số 57 Cao Thắng đã thế chấp?
Đại diện Agribank TP Hồ Chí Minh trả lời: “Ngày 14/1/2011 Công ty Diệp Bạch Dương có văn bản đề nghị ngân hàng cho mượn lại giấy chứng nhận 313 với lý do đang tiến hành hoàn công căn nhà số 57 Cao Thắng để bàn giao cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP. Sau khi hoàn công sẽ gửi lại toàn bộ hồ sơ tài sản đã thế chấp cho ngân hàng. Cùng ngày, ngân hàng có Văn bản số 32 gửi Sở TN&MT với đề nghị sau khi hoàn thành việc cấp đổi giấy chứng nhận thì phải trả lại cho ngân hàng”.
Đại diện Sở TN&TM cũng cho rằng bà Diệp trực tiếp đến Sở nộp giấy chứng nhận số 313. Tuy nhiên, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khẳng định đại diện ngân hàng và Sở TN&TM đều trả lời sai sự thật. Tất cả hồ sơ đều bị giả mạo chữ ký.
“Đối với những tài liệu do các đơn vị cung cấp cho Cơ quan điều tra trong vụ án này, tôi có quyền nghi ngờ 90% là giả mạo. Tôi không tin những tài liệu do các đơn vị này cung cấp cho Cơ quan điều tra. Vì thời buổi này cái gì cũng có thể giả, kể cả bằng đại học. Nếu tôi mượn giấy chứng nhận số 313 của Agribank TP Hồ Chí Minh, thì họ buộc phải làm thủ xuất kho, nhưng cái này không có”, bị cáo Diệp trả lời.
Bị cáo Diệp cũng trả lời trước tòa đối với những câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Diệp). Bị cáo Diệp khẳng định: "Đó là hợp đồng thế chấp tài sản số 1700- LCP-200801538 ngày 31/12/2008 không được công chứng, không được giải ngân…, là giả mạo nên vô hiệu. “
"Tôi không hiểu làm thế nào chỉ trong thời gian 2 tháng mà Agribank TP Hồ Chí Minh dám cho Công ty Diệp Bạch Dương dùng 1 tài sản vay đến 3 hợp đồng? Vì như vậy hoàn toàn trái quy định. Ngày 31/12/2008, tôi ký với Agribank TP Hồ Chí Minh 24 hợp đồng mua bán, hàng loạt hợp đồng thế chấp của khoản vay 8.700 lượng vàng và khoản vay 21.000 lượng vàng. Những hợp đồng đó hoàn toàn không liên quan đến tài sản số 57 Cao Thắng hoặc nhà số 181 Hai Bà Trưng. Do đó tài sản số 57 Cao Thắng không có bất cứ nghĩa vụ gì đối với các khoản vay kia vì các khoản vay đó hoàn toàn độc lập. Ngoài ra, cũng không thể nào có đến 2 giấy nhận nợ do tôi ký. Tài sản thế chấp là thỏa thuận giữa đôi bên, nhưng trong hợp đồng tín dụng lại đá sang hợp đồng thế chấp”, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp trả lời.
Nếu biết bà Diệp gian dối, đã không hoán đổi nhà đất
Bị cáo Diệp còn khẳng định trước tòa về giấy giao dịch đảm bảo cũng là giả mạo. Vì bị cắt ghép, chữ ở trên là một tuồng (nét), chữ ở dưới là 1 tuồng khác. Trước những câu trả lời của bị cáo Diệp, luật sư Phan Trung Hoài đã đề nghị đại diện Viện KSND kiểm tra lại tính hợp pháp của các hồ sơ. Còn bị cáo Diệp nêu mong muốn HĐXX xem xét lại các chứng cứ là các bút lục của Cơ quan điều tra.
Khi được luật sư Hoài hỏi về vụ hoán đổi nêu trên, bị cáo Đào Anh Kiệt (Nguyên Giám đốc Sở TN&TM) cho rằng tất cả mọi việc đều xảy ra trước khi bị cáo ký cấp giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ đối với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng và hoàn toàn không biết việc Công ty Diệp Bạch Dương đã đem thế chấp tài sản 57 Cao Thắng.
Bị cáo Vy Nhật Tảo (Nguyên Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP) cho rằng việc hoán đổi nhà trước đó đã có nhiều đơn vị đến xin hợp tác, nhưng họ không đủ khả năng. Khi bà Diệp đưa ra phương án hỗ trợ 25 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà đất 57 Cao Thắng rồi đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng, đồng thời có đưa ra một số hồ sơ thể hiện trước đó UBND TP không cho hoán đổi. Sau đó bị cáo nhận được công văn của UBND TP đề nghị nghiên cứu, xem xét việc hoán đổi. Bị cáo cảm nhận có sự hỗ trợ từ trên nên với phương án bà Diệp đưa ra, bị cáo thấy có lợi cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP nên thỏa thuận hoán đổi.
“Trong các buổi họp, Ban chỉ đạo 09 chủ yếu đưa ra phương cách hoán đổi, còn bà Diệp cung cấp bản sao y các giấy tờ nên tất cả các thành viên không ai đặt vấn đề yêu cầu xuất trình bản chính sổ đỏ nhà số 57 Cao Thắng. Việc bà Diệp có gian dối hay không, bản thân bà Diệp biết. Chỉ đến năm 2013, khi Sở TN&MT lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận, lúc đó mới biết tài sản số 57 Cao Thắng đã bị bà Diệp đem thế chấp. Nếu biết bà Diệp gian dối, tôi đã không bao giờ đề xuất hoán đổi. Chỉ khi đọc cáo trạng mới biết những việc bà Diệp làm và Cơ quan điều tra nói hành vi của bà Diệp là lừa đảo nên tôi hiểu bà Diệp lừa đảo”, bị cáo Tảo trả lời.