Bi kịch của Bolivia: Tổng thống từ chức sau 3 tuần đắc cử

Tú Anh (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên đường phố nổ ra sau khi phe đối lập ở Bolivia buộc Tổng thống Evo Morales nhũng loạn cuộc bầu cử tháng 10.

Tuyên bố từ chức của ông Morales được đưa ra ngay sau khi tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Bolivia, ông Williams Kaliman, kêu gọi tổng thống từ chức để "đảm bảo sự ổn định" của đất nước.

 Tổng thống Bolivia - ông Evo Morales mới từ chức sau 3 tuần tái đắc cử.

Quyết định từ chức đã chấm dứt 14 năm cầm quyền của ông Morales. Trước đó hôm 10/11, ông Morales cho biết sẽ tổ chức lại cuộc bầu cử gây tranh cãi, sau khi tổ chức Các Quốc gia châu Mỹ (OAS) cho rằng có những bất thường nghiêm trọng diễn ra trong cuộc bỏ phiếu hôm 20/10, mà kết quả của nó mang lại cho ông Morales thêm một nhiệm kỳ nữa.

Một báo cáo sơ bộ dựa trên cuộc điều tra của OAS về phiếu bầu cho thấy đã có "những sự thao túng rõ ràng" với hệ thống bầu cử và OAS không thể xác nhận chiến thắng ở vòng đầu tiên cho ông Morales.

Tuyên bố của OAS đã gây ra một ngày đầy kịch tính khi các đồng minh chủ chốt của Tổng thống Morales - bao gồm cả bộ trưởng, thống đốc khu vực và các nhà lập pháp chính phủ - từ chức, trong khi lãnh đạo quân đội kêu gọi ông Morales từ chức vì lợi ích của đất nước.

Hàng loạt vụ đụng độ sau đó xảy ra khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Các trường học, doanh nghiệp bị đóng cửa và giao thông công cộng bị đình trệ. Lần tái đắc cử của ông Morales cũng làm dấy lên cáo buộc gian lận và gây chia rẽ giữa các lực lượng an ninh.

Ông Morales, 60 tuổi đã nắm giữ chức vụ Tổng thống từ năm 2006, từng là người “mở đường” giúp Bolivia phóng vệ tinh vào vũ trụ và kiềm chế lạm phát. Trong những cuộc đụng độ trên đường phố giữa những người ủng hộ ông Morales và những người phản đối chính phủ, một số người cho rằng rất khó để giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở quốc gia 11 triệu dân này.

Sự hỗn loạn đã khiến nền kinh tế vốn yếu ớt của quốc gia Mỹ Latinh thêm phần lao đao, phá hủy hình ảnh đất nước trước các nhà đầu tư toàn cầu. 

Theo Sandra Patiño Huitron, 46 tuổi, nhân viên lễ tân ở Santa Cruz, dù đưa ra nhiều hứa hẹn, ông Morales vẫn gây thất vọng trong khi Bolivia cần một con đường mới. “Nếu tiếp tục như vậy, Bolivia sẽ tồi tệ hơn Venezuela – nơi một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị khiến hơn 3 triệu dân phải tha hương trong những năm gần đây”.

Lãnh đạo phe đối lập Carlos Mesa, người xếp thứ hai trong cuộc bỏ phiếu tháng 10, đã kêu gọi ông Morales từ chức và những người biểu tình duy trì hoạt động cho đến cuộc khủng hoảng được giải quyết.