Bị lừa tiền chạy việc, giải quyết thế nào?

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 2 năm, tôi đưa 300 triệu đồng cho người quen để xin việc vào một cơ quan Nhà nước. Một năm sau không thấy kết quả như cam kết, tôi yêu cầu rút lại tiền thì người này bảo phải đưa thêm 100 triệu đồng nữa mới xin được việc. Nghĩ mình bị lừa, tôi kiên quyết đòi trả lại tiền song đến bây giờ vẫn chưa nhận được. Tôi có giữ giấy biên nhận viết tay khi giao tiền, có thể kiện để đòi tiền người này được không? Nguyễn Thị Vân Ngọc, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trả lời:
Giao dịch đưa tiền và nhận tiền “chạy việc” thực chất là giao dịch dân sự được hai bên thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, “chạy việc” là hành vi vi phạm pháp luật, do đó giao dịch này vô hiệu vì có mục đích và nội dung vi phạm quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi đó các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, nếu có chứng cứ chứng minh, người bị lừa có thể yêu cầu TAND có thẩm quyền giải quyết, cụ thể ở đây là tuyên giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Đối với người nhận tiền “chạy việc” nhưng không thực hiện theo thỏa thuận có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội môi giới hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần