Bí mật trên đảo Hòn Dáu, Hải Phòng

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gọi là Đảo Dáu (Đảo Dấu) là 1 điểm đánh dấu trên bản đồ, điểm đá sót cuối tính từ quần đảo Cát Bà hướng ra Biển Đông. Tại đây, cuối Thế kỷ 19 quân Pháp xâm lược nước ta đã cho xây dựng ngọn đèn biển Hải đăng Hòn Dáu. Bí mật của đảo Dáu suốt hơn 1 thế kỷ qua không phải ai cũng biết.

Bí ẩn quân sự từ ngọn đèn biển

Năm 1892, khi Pháp đặt chân lên xâm lược Việt Nam và nhằm kiểm soát vùng trời, vùng biển khu vực phía Bắc của nước ta đã thiết kế xây dựng ngọn đèn biển Hải Đăng. Đến tháng 8 năm 1896, Pháp cho xây dựng Hải Đăng Hòn Dáu và năm 1898 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Hải đăng Hòn Dáu gồm 1 tòa nhà 2 tầng và tháp đèn cao năm tầng, đỉnh đèn cao 140 mét so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 67 m so với chân tháp. Hải đăng Hòn Dáu chiếu xa đến 40 km, ngày ngày dẫn dắt tàu thuyền qua lại vùng biển Vịnh Bắc bộ.
 Hải đăng Hòn Dáu gồm 1 tòa nhà 2 tầng và tháp đèn cao năm tầng, đỉnh đèn cao 140 mét so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 67 m so với chân tháp. Hải đăng Hòn Dáu chiếu xa đến 40 km.
 Ngọn đèn trên đỉnh cao nhất.
Quân Pháp xâm lược Việt Nam, mục đích xây dựng Hải đăng Hòn Dáu nhằm dẫn tàu thuyền ra vào Cảng Hải Phòng. Đồng thời, phong tỏa lực lượng kháng chiến Hải quân của quân đội ta trong khu vực; kiểm soát các tàu của các nước xã hội chủ nghĩa chi viện cho Việt Nam; kiểm soát các tàu thuyền của miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mãi đến ngày 13/5/1955, TP Hải Phòng được giải phóng thì Hải Đăng Hòn Dáu được ngành Bảo đảm Hàng hải tiếp quản.
 Chị Nguyễn Thanh Hương, hướng dẫn viên của Ban Quản lý Di tích quận Đồ Sơn đang giới thiệu với du khách về đảo Dáu và ngọn đèn biển.
 Cây đa búp đỏ ở đảo Dáu.
Theo chị Nguyễn Thanh Hương, hướng dẫn viên của Ban Quản lý Di tích quận Đồ Sơn, Hải Phòng cho biết: Trong thời gian chiến tranh, cho dù quân giặc kiểm soát gắt gao, nhưng những chiến sỹ cách mạng của quân đội ta vẫn anh dũng bám biển, bám đảo để chiến đấu. Tuy hòn đảo nhỏ, nhưng Hòn Dáu có rất nhiều loài cây quý. Đặc biệt, có rất nhiều cây đa búp đỏ, là loài đa quý hiếm, là cây di sản của TP Hải Phòng. Mỗi cây có rất nhiều gốc, rễ chằng chịt với nhau. Ngay lối đi lên ngọn Hải đăng đảo Dáu có 1 cây thị có tuổi đời hàng trăm năm. Dưới gốc cây này là hầm trú ẩn của chiến sỹ cách mạng Việt Nam, nay vẫn còn.
 Dưới gốc cây thị này là hầm trú ẩn của bộ đội ta và những công nhân gác đèn trong chiến tranh khách chiến chống Mỹ.
 
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ Hòn Dáu nuôi dấu quân đội và ngọn đèn hải đăng soi rọi cho những con tàu không số bắt đầu từ Bến tàu Không số tại Đồ Sơn chở đạn dược, khí tài và lương thực của miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những con tàu xuất phát từ Bến Nghiêng, Đồ Sơn, Hải Phòng, chạy theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Quân đội ta xây dựng thế trận ngay trong lòng định. Chính vì thế, trạm đèn biển này là một trong những mục tiêu oanh tạc của đế quốc Mỹ hòng cắt đứt sự chi viện nói trên. Tháng 4/1967, Hải đăng Hòn Dáu bị đánh sập hoàn toàn, nhưng những công nhân trạm đèn vẫn anh dũng bám trụ, dựng cột đèn bằng sắt thay thế, đảm bảo hoạt động thông suốt phục vụ cho tàu thuyền ra vào cảng.

Đảo Hòn Dáu đã được công nhận là Danh lam thắng cảnh Di tích lịch sử cấp quốc gia trong đó có Bến Nghiêng - nơi những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc vào ngày 13/5/1955.
 2 quả bom do giặc Mỹ trút xuống khu vực hải đăng Hòn Dáu năm 1967.
 
Ngày nay, tại khu vực này vẫn còn lưu giữ 2 quả bom thủy lôi làm vật chứng trong trận chiến của giặc Mỹ trút xuống vùng biển đảo Hải Phòng năm 1967, trong đó có Hải đăng Hòn Dáu. Hiệ nay, ngọn Hải đăng Hòn Dáu chỉ để khách đến thăm quan. Còn ngọn đèn thay thế cho đèn Hòn Dáu chiếu sáng cho vùng biển Vịnh Bắc bộ là Long Châu, Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Hải đăng Hòn Dáu đã qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Lên đến ngọn Hải đăng chúng ta phải leo 125 bậc thang xoắn ốc. Tại đây, phóng tầm mắt ngắm nhìn về TP, Đồ Sơn là một bán đảo nhô ra, nhìn giống như đầu rồng vươn ra biển lớn.

Huyền bí và sự “hút” khách của đảo Dáu
Chỉ mất có hơn 10 phút ngồi trên tàu xuất phát từ Bến Nghiêng, du khách có thể đặt chân lên Hòn Dáu. Gần bờ như vậy, nhưng đến nay đảo Dáu vẫn còn hoang sơ và rừng nguyên sinh. Nếu nói Đồ Sơn giống như đầu rồng thì Hòn Dáu là mắt ngọc giữa biển khơi.
 Đền thờ thờ Nam Hải Thần Vương.
 Đứng ở trước cửa đền thờ nhìn ra cầu cảng và nhìn về Đồ Sơn.
Ngay nơi tàu cập đảo là ngôi đền cổ xưa nằm sát bên bờ biển, nép mình dưới những tán cây khổng lồ xanh mướt là đền thờ Nam Hải Thần Vương. Chuyện từ triều đại nhà Trần, vào một đêm sau một trận quyết chiến với giặc Nguyên Mông ở cửa sông Bạch Đằng, dân chài đánh cá gần đảo Dáu bỗng thấy một thi thể không đầu nổi trên mặt nước, trên mình vận trang phục võ quan Đại Việt. Ngư dân đánh cá liền nghinh ngài lên trên đảo để sáng hôm sau cử hành nghi lễ mai táng. Không ngờ, mới tờ mờ sáng hôm sau, khi dân làng ra tới nơi thì đã thấy thi thể của vị võ tướng được mối phủ kín thành ngôi mộ khổng lồ. Những người dân vạn chài cho là điềm ứng liền lập ngôi miếu tranh để phụng thờ. Những ngày sau đó, người dân làng chài thường thấy vị võ tướng hiển linh thành ông già râu tóc bạc phơ.
 Ngay nơi tàu cập bến, có bãi đá nhiều viên sỏi đẹp nhưng không ai dám lấy.
Theo tương truyền vào thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn rồi nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc trắng tay cầm cần câu, lưng đeo giỏ cá, tự xưng là Thần Đảo. Hôm sau, Vua lên thuyền kể lại cho tùy tùng đi theo cùng nghe và phán rằng: "Nếu là Thần linh hãy cho ta ứng báo". Vua vừa dứt lời, một con cá to quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, nhà vua liền phong tước hiệu cho ngài là "Lão đảo Đại Thần Vương" và truyền chỉ cho dân địa phương tu sửa đền để phụng thờ.

Cũng theo tương truyền, Vua Tự Đức trong một dịp kinh lý ra Bắc, ngang qua đền thì gặp sóng to gió lớn. Vua cho dừng thuyền, lên đền khấn vái, ngay sau đó bỗng trời quang mây tạnh. Từ đó, vua phong nơi đây là đền thờ Nam Hải Thần Vương.

Sở dĩ đền thờ mang tên Nam Hải vì vị võ tướng trấn giữ ở phía Nam biển, chết cũng ở phía Nam biển nên có huệ diệu Nam Hải Đại Thần Vương. Nơi thi thể của được mối phủ kín thành mộ chỉ sau một đêm, bây giờ vẫn còn phía sau hậu cung của đền.
 Từ Bến Ngiêng sang đảo Dáu mất hơn 10 phút đi tàu.
 Đứng trên Hải đăng Hòn Dáu nhìn về Đồ Sơn giống như đầu rồng vươn ra biển. Chính vì vị trí này mà cả Pháp, Mỹ đều muốn chiếm giữ đảo. Bến nghiêng và đảo Dáu trở thành di tích lịch sử trong kháng chiến giành độc lập của dân tộc Việt Nam, trong đó có người dân Hải Phòng.
Hàng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tại Đồ Sơn diễn ra lễ hội đảo Dáu, cũng là lễ hội truyền thống của người dân làng chài ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Đúng dịp này, ngư dân khắp các vùng lân cận thường kéo về đảo Dáu tế lễ, cầu xin Nam Hải Thần Vương một năm đi biển gặp yên bình, không gặp bão gió và đánh bắt được nhiều cá tôm. Trước khi mở hội 2 ngày vào ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch, dân làng biển lại kéo nhau ra đảo mở hội lễ tạ và ra ngủ một đêm trên đảo để hưởng lộc của thần.

Ngay cầu cảng nơi tàu cập bến vào đảo có bãi đá rất nhiều viên sỏi đá màu sắc và hình thù đẹp mê mẩn. Trong rừng cây mọc um tùm, dây leo chằng chịt, những chùm rễ buông xuống như tơ liễu, nhưng không ai dám lấy 1 viên sỏi, hòn đá, hoặc chặt 1 cành cây. Không biết thật hay hư, có nhiều người kể rằng nếu lấy 1 viên sỏi ở đó đem về sẽ phải đem trả lại đó và làm lễ mới xong.

Con đường lên hải đăng chỉ có duy nhất, càng đi sâu vào rừng cho ta cảm giác thơ mộng nhưng huyền bí. Rừng già, còn nguyên vẹn cả ba tầng thực vật, gồm cây cổ thụ khổng lồ, xen phía dưới là tầng cây thân thảo, thân bò, thân leo chằng chịt, đan xen vào nhau không dứt. Chính vì sự linh thiêng của thần đảo đã giúp cho Hòn Dấu trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ giữa biển khơi.