Bị phản đối đánh thuế tài sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói “sẵn sàng lắng nghe”

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói về các phản hồi của dư luận liên quan đến Dự thảo Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ này lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân tham gia góp ý.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài chính, thời gian qua, Chính phủ tập trung vào cả việc tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng đất đai. Và Bộ Tài chính cũng tích cực giảm chi tiêu công bằng nhiều giải pháp như khoán xe công, tinh giản bộ máy…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
“Đây là bước giúp chúng tôi hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật để báo cáo Chính phủ đăng ký Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng Luật trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Đó là từ Nghị quyết số 19 năm 2012 của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, đến chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, cũng như Đề án Chính phủ đã phê duyệt về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị... Cùng với đó là Nghị quyết 25 của Quốc hội về Đề án tái cơ cấu ngân sách 5 năm 2016 - 2020, trong đó có yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế với tài sản gồm đất, tài sản gắn liền với đất.

Mục tiêu xây dựng Luật là tăng cường quản lý về đất; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà và đất, hạn chế sử dụng lãng phí tài sản đất đai, công sản; minh bạch việc quản lý tài sản, đất đai, từ đó góp phần ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng. Nếu được thông qua, trên cơ sở nào đó cũng mở rộng nguồn thu trong ngân sách Nhà nước, đảm bảo cơ cấu nguồn thu cho ngân sách.

Trước ý kiến cho rằng, thay vì tăng thuế hoặc đề xuất đánh thêm các loại thuế trong đó có thuế tài sản…, tại sao Bộ không đề nghị các cơ quan giảm chi một cách mạnh mẽ hơn, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm chi, giảm chi thường xuyên để có chi đầu tư phát triển. Đó là việc tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài, thực hiện khoán xe công... Thời gian tới, chúng ta phải thực hiện tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị công lập. Để làm được như vậy phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp.

Với Bộ Tài chính, để giảm chi thường xuyên, tăng thu ngân sách, chi một cách tiết kiệm, hiệu quả, Bộ đã thực hiện khoán xe công trong 2 năm qua, có thể nói bước đầu hiệu quả tốt. Bộ cũng đang trình Chính phủ 15 Nghị định, trong đó có 1 Nghị định về xe công sẽ được ký sắp tới.

Ngoài ra, Bộ đã và sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị chức năng trong Bộ với tinh thần không tăng thêm biên chế. Chẳng hạn rà soát, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước (KBNN), năm nay sẽ giải thể, sáp nhập 43 phòng giao dịch thuộc KBNN các tỉnh, thành phố. Với hệ thống thuế, trong năm 2018 sẽ sắp xếp từ 327 chi cục thuế các quận, huyện, thị xã thành 154 chi cục. giảm 173 chi cục. Năm 2019 sắp xếp 53 chi cục quận, huyện, thị xã thành còn 25 chi cục, giảm 28 chi cục. Năm 2020, sắp xếp 168 chi cục còn 90 chi cục. Quá trình thực hiện sẽ tiếp tục rà soát, số lượng chi cục thuế được sắp xếp sẽ còn lớn hơn số được duyệt.