Bí quyết hút vốn tư nhân của các nước tiên tiến

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được ví như “phao cứu sinh” trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, vốn tư nhân từ lâu đã được nhiều quốc gia tiên tiến ưu tiên huy động để phát triển hệ thống hạ tầng khang trang, hiện đại.

Bài học từ các nước Âu, Mỹ…
Ra đời từ những năm 80 thế kỷ trước, hợp tác công tư (Public Private Partnership – PPP) được các nước tiên tiến nhanh chóng đón nhận.                                                 
Mỹ áp dụng và triển khai thành công các dự án PPP với hơn 450 dự án, thu hút hàng trăm tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy thoái những năm gần đây, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khối tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết được nhiều điểm nghẽn. Theo đó, các cơ chế chính sách và luật pháp áp dụng cho mô hình PPP được chính quyền liên bang triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, đồng thời các bang cũng được phân quyền tự quyết định việc tổ chức và triển khai mô hình PPP tại địa phương. Mỹ ưu tiên áp dụng PPP tại các công trình trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông, nhà ở, giáo dục, y tế.
Tại Anh, với chính sách phân bổ rủi ro hợp lý, các dự án giao thông đường bộ ở xứ sở sương mù đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ khối tư nhân, với thành công của dự án cầu QE2 Dartford năm 1991. Đây là dự án hạ tầng đầu tiên tại Anh ghi nhận sự thành công của hình thức hợp tác công – tư khi liên doanh Kvaerner Construction Limited và Cleveland Bridge & Engineering Company đã vượt qua 7 nhà thầu khác để dành quyền xây dựng cây cầu, với ngân sách thời điểm đó xấp xỉ 4.000 tỷ đồng Việt Nam. 
 Cầu QE2 Dartford là dự án PPP đầu tiên tại Anh. Ảnh: www.dailymail.co.uk
Được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là 1 trong 10 nước có đầu tư PPP hiệu quả nhất năm 2013, Úc thành công nhờ xây dựng khung chính sách vững chắc về PPP, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cho các dự án bằng cách khuyến khích cắt giảm chi phí chuẩn bị thầu, chuẩn hóa quá trình thực hiện các dự án PPP, rút ngắn danh sách nhà thầu trước khi thực hiện đấu thầu dự án PPP và tuân thủ chặt chẽ quy định về thời gian thực hiện dự án.
Không đứng ngoài xu hướng phát triển, Liên minh châu Âu đã thực hiện thành công 1.400 dự án PPP trong vòng 20 năm từ 1990 đến 2009, với tổng vốn đầu tư lên tới 260 nghìn tỷ euro. Đặc biệt, năm 2008 Liên minh châu Âu còn thành lập Trung tâm Chuyên môn về PPP châu Âu (European PPP Expertise Centre - EPEC) để hỗ trợ các nước thành viên xây dựng chính sách liên quan đến PPP, tăng cường năng lực thực hiện các dự án hợp tác công - tư cũng như chia sẻ kịp thời các giải pháp PPP.
…Đến xu thế của khu vực
Còn tại châu Á, Hàn Quốc đi tiên phong trong thu hút vốn tư nhân. Những năm 1990, Hàn Quốc bước vào “kỷ nguyên xe cơ giới” khi phương tiện giao thông đường bộ tăng gấp 8 lần. Trước yêu cầu về nguồn vốn khổng lồ, vượt quá khả năng chi trả của ngân sách, Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi doanh nghiệp tư nhân vào cuộc. Đường cao tốc hiện đại nối liền sân bay quốc tế Incheon và thủ đô Seoul trị giá 1,2 tỷ USD xây dựng thần tốc trong 5 năm.
 Cao tốc dẫn từ sân bay quốc tế Incheon. Ảnh: www.macquarie.com
Một ví dụ khác là Nhật Bản với dự án sân bay quốc tế Kansai do tư nhân xây dựng, trên hòn đảo nhân tạo ở Vịnh Osaka. Sau 7 năm thi công với số vốn đầu tư 20 tỷ USD, sân bay quốc tế Kansai đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ năm 1994, với 2 đường băng dài 3.500m và 4.000m, có khả năng chống chọi với bão, động đất, sóng thần. Hiện Kansai là một trong những sân bay hiện đại và an toàn nhất thế giới, được Hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ bình chọn là 1 trong 10 công trình kiến trúc của thiên niên kỷ.
 Sân bay nhân tạo Kansai, Nhật Bản. Ảnh: Pinterest
Theo thống kê, từ những năm 1990 đến nay, tổng nguồn vốn PPP toàn cầu đạt mức tăng trưởng ấn tượng từ 7 nghìn tỷ USD vào năm 1991 lên mức 91 nghìn tỉ USD vào năm 1997 và 158 nghìn tỷ USD vào năm 2012. Con số này sẽ tiếp tục tăng.
Với những thành công được ghi nhận, dự kiến thời gian tới, hợp tác công – tư vẫn tiếp tục là mô hình được nhiều quốc gia áp dụng. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia trong Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) tại phiên họp về Hợp tác Công Tư và Mạng lưới Tài chính Cơ sở hạ tầng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tháng 9 vừa qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 thì nguồn vốn tư nhân cần tăng thêm 4 lần, từ 63 tỷ đô la mỗi năm hiện nay lên 250 tỷ đô la.
Làm thế nào đón “sóng” PPP thành công?
Tại Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nay đến 2020 vào khoảng 50 tỷ USD, trong đó riêng cao tốc Bắc - Nam đã xấp xỉ 6 tỷ USD, một con số quá lớn, vượt xa khả năng của ngân sách.
Để phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư như BOT, BT…các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tham khảo bài học quốc tế. Kinh nghiệm thành công của các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines cho thấy, trong giai đoạn đầu, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dự án bên cạnh hình thức ưu đãi đầu tư thông thường như thuế, đất đai. Các quốc gia nêu trên đã thiết lập các cơ chế như: Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu…
 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào khai thác
Luật hợp tác công – tư đưa ra những quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, bao gồm cả sử dụng vốn nhà nước để tăng tính khả thi cho dự án, hấp dẫn nhà đầu tư, quy định các cơ chế, chính sách để bảo đảm rủi ro cho dự án, như: bảo lãnh doanh thu tối thiểu (hoặc bảo đảm lưu lượng); bảo đảm ngoại tệ (tỷ giá và lượng ngoại tệ cung ứng sẵn sàng trong quá trình chuyển đổi); bảo đảm rủi ro về chính sách…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần