[Bí thư chi bộ - nhiều niềm vui, lắm nhọc nhằn] Bài cuối: Mong mỏi của người trong cuộc

Hồng Thái - Trần Thảo - Minh Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiếp tục phát huy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các bí thư chi bộ, khơi dậy được sự nhiệt tình của họ đối với công việc chung, từ TP đến các quận, huyện đang triển khai nhiều giải pháp. Đó cũng được coi là mấu chốt để giải quyết vấn đề thiếu nguồn bí thư chi bộ đang đặt ra.

 Ông Nguyễn Văn Hậu - Bí thư Chi bộ 1 (phường Phúc Diễn) dự hội thi Bí thư Chi bộ giỏi. Ảnh: Trần Thảo
Hỗ trợ tối đa

Năm 2013, Hà Nội đã đưa vào triển khai thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Trong đó, cùng với rà soát, sắp xếp, từng bước kiện toàn mô hình kiêm nhiệm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; nghiên cứu mô hình kiêm nhiệm các chức danh gắn với khoán kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, tổ dân phố. Qua đó, đã giúp Hà Nội giải quyết được việc khó khăn tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ, đó là sự thiếu đồng bộ về tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở và góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ khu dân cư nói chung, bí thư chi bộ nói riêng.
Chi bộ chúng tôi là một địa bàn dân cư rộng, gồm 3 tổ dân phố, với 900 hộ dân nhưng công tác tạo nguồn phát triển Đảng cũng gặp không ít khó khăn khi đoàn viên rất mỏng, cứ 20 đảng viên thì 90% là đang làm công ty hoặc đang đi học. Do vậy, dù số lượng đảng viên đông nhưng với lớp đi trước chúng tôi, luôn lo lắng về đội ngũ kế cận, bởi trẻ sợ không làm được, tuổi trung trung thì hạn chế về trình độ. Làm bí thư hay làm cấp ủy đúng nghĩa thì hơi khó. Lấy người về làm bí thư chi bộ cũng không dễ. Đó là một vấn đề các cấp ủy cần quan tâm.
Bí thư chi bộ 1 (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Văn Hậu

Đồng thời, để nâng cao chất lượng đội ngũ, hàng năm, từ TP đến các quận, huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy cơ sở và bí thư các chi bộ về công tác Đảng; nhất là tổ chức tập huấn, phổ biến, quán triệt những quy định, hướng dẫn mới của T.Ư, Thành ủy. Cùng với đó, các hội thi “Bí thư chi bộ giỏi” được tổ chức ở các cấp cũng giúp các bí thư chi bộ được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng về lý luận và thực tiễn. Từ đó, góp phần nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức, nghiệp vụ công tác Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo kỹ năng ứng xử và xử lý tình huống thực tế trong quá trình hoạt động của chi bộ.

Tại quận Thanh Xuân, có hơn 150 chi bộ địa bàn dân cư, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến cho biết: Hàng năm, quận đều tổ chức khoảng hơn 40 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, MTTQ, các đoàn thể. Trong đó, không chỉ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, khu dân cư…, mà còn có các chuyên đề như phòng, chống tệ nạn xã hội, PCCC, biển đảo, an ninh trong khu vực, quán triệt các nghị quyết… để truyền tải thông tin kịp thời tới các bí thư.

Ngay tại địa bàn tự nhận là phường nghèo nhất của thị xã Sơn Tây, ông Đào Hiến Chương - Bí thư Đảng ủy phường Ngô Quyền cho biết: Mỗi năm phường thu ngân sách 200 triệu đồng nhưng tiêu đến 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phường luôn hỗ trợ tối đa, khích lệ đội ngũ bí thư chi bộ. Trên địa bàn phường có 7 chi bộ địa bàn dân cư. “Chúng tôi luôn hỗ trợ, giúp đỡ đội ngũ bí thư chi bộ cơ sở những việc trong khả năng như việc đánh giá đảng viên cuối năm. Trong khi hệ thống biểu mẫu, hồ sơ, quy trình, thủ tục nhiều hơn trước, nhiều văn bản hơn trước, đây là việc khó cho các bí thư chi bộ ở cơ sở”- ông Chương chia sẻ. Đồng thời cho rằng, mức phụ cấp cho đội ngũ bí thư chi bộ hiện nay chỉ ở mức động viên, chưa thể tương xứng với công việc phải đảm nhiệm. Nếu có mức cố định về mặt tài chính cho các bí thư chi bộ, sẽ động viên, khuyến khích đội ngũ này, làm cho công tác đảng ở cơ sở tốt hơn.

Để bí thư chi bộ phát huy năng lực và sáng tạo hơn

Hiện nay, lo lắng của hầu hết các cấp ủy trên cơ sở là việc thiếu nguồn bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư. Khi chuẩn bị đại hội chi bộ, công tác nhân sự cấp ủy ở nhiều địa bàn dân cư lại trở thành bài toán khó. Như Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến chia sẻ, thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 23/11/2018 của Thành ủy Hà Nội, quận Thanh Xuân đang triển khai thí điểm mô hình bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, đòi hỏi trách nhiệm cũng như yêu cầu về sức khỏe của các bí thư chi bộ cao hơn. Ngoài ra, có những địa bàn rộng, chi bộ đông đảng viên, chưa kể khu vực phức tạp liên quan đến công tác GPMB, quản lý đất đai, đô thị ở các khu vực giáp ranh, các bí thư chi bộ phải tham gia nhiều nhiệm vụ. Nhưng thực tế, ở nhiều nơi vì rất thiếu nguồn kế cận nên bí thư chi bộ khóa cũ vẫn phải tái cử, dù nhiều người đã bước vào tuổi “mắt già, chân chậm”.
Chúng tôi luôn giúp đỡ, khích lệ đội ngũ bí thư chi bộ qua những công việc cụ thể, để họ thấy được sự quan tâm của Đảng ủy. Nếu như trước đây có nhiều cuộc họp hơn, nay chúng tôi tổng hợp lại, họp ít hơn, để các bác còn có thời gian vào việc gia đình. Về công tác thi đua, khen thưởng, chúng tôi luôn quan tâm đến cơ sở, ưu tiên cho đội ngũ ở cơ sở.

Bí thư Đảng ủy phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) Đào Hiến Chương

Cùng với đó, tại các quận, huyện cũng đang tiến hành rà soát, sắp xếp các tổ dân phố, chi bộ theo tinh thần của Đề án 06-ĐA/TU. Trong đó, nhiều quận, huyện số tổ dân phố, chi bộ sẽ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc số lượng đảng viên trong một chi bộ sẽ đông hơn, số hộ dân cũng tăng, việc quản lý đô thị ngày càng phức tạp, công việc của bí thư chi bộ sẽ nặng thêm. Theo Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa Nguyễn Anh Cường: Hiện nay, đối với phường trên địa bàn quận, sau sắp xếp, còn 382 chi bộ, số lượng đảng viên rất đông và số lượng tổ dân cư cũng rất đông, nhiều đặc thù (trung bình, 1 chi bộ phụ trách 2 tổ dân phố, với hàng nghìn hộ dân), như vậy công việc của bí thư sẽ rất lớn và nặng nề.

Công việc không hề ít nhưng hầu hết bí thư chi bộ không phàn nàn gì về chế độ chính sách, đa số hoạt động vì tâm huyết, trách nhiệm với địa phương. Tuy nhiên, như lãnh đạo các quận, huyện đã chỉ ra, khi công việc nhiều hơn, nặng nề hơn, đồng nghĩa với việc cần quan tâm đến chế độ, có trách nhiệm với công việc của bí thư chi bộ. Như tại quận Đống Đa, quận chỉ đạo các phường, hàng năm đều có các chính sách như phụ cấp, thăm hỏi, lễ Tết, nghỉ mát, thăm quan, tập huấn, giao lưu cho các bí thư chi bộ, đó là sự động viên lớn.

Còn theo ông Công Văn Hậu - Bí thư Chi bộ 7 (phường Phú Thượng): Để phát huy hết nhiệt huyết của bí thư chi bộ, ngoài quan tâm chế độ chính sách, mong rằng các kiến nghị bức xúc ở địa bàn dân cư, khi đề xuất lên, cấp trên sớm giải quyết. Trong khi hầu như mọi vấn đề bức xúc ở địa bàn dân cư đều dồn đến bí thư chi bộ, việc giải quyết kịp thời các kiến nghị này cũng là tạo điều kiện cho bí thư hoạt động thuận lợi, làm tốt nhiệm vụ hơn.
Để nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở các địa bàn dân cư, HĐND TP vừa ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND TP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2019. Trong đó quy định mức phụ cấp hàng tháng với bí thư chi bộ ở thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm có hệ số là 1,8; các thôn, tổ dân phố còn lại hệ số là 1,1. Với mức tăng đáng kể so với quy định cũ, đây sẽ là nguồn động viên lớn, khích lệ tinh thần các bí thư chi bộ.