Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Giãn cách xã hội phải thực chất, kiểm soát chặt từ "gốc"

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang bước vào đợt giãn cách thứ 3 theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP. Để thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị của các cấp, các ngành từ TP xuống cơ sở và người dân đạt hiệu quả cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã liên tục đi kiểm tra, nắm bắt công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện, sở, ngành, đồng thời có chỉ đạo sát với tình hình. Nhờ đó, Hà Nội đã và đang tranh thủ được "thời gian vàng” khi thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch.

Nhiệm vụ số 1 là bảo đảm tính mạng, sức khoẻ Nhân dân
Ngay sau khi UBND TP ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 6 giờ ngày 24/7. Trả lời báo chí, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống Nhân dân và phát huy hiệu quả cao.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra chốt kiểm soát chống dịch số 2 Trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Viết Thành)
“Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, TP đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Qua đó cho thấy, không chỉ cấp ủy, chính quyền TP đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống Nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16/CT-TTg” - Bí thư Thành ủy nói.
Ở mỗi thời điểm, Bí thư Thành ủy luôn đưa ra được những chỉ đạo sát với thực tế và tình hình của TP. Cụ thể, ngay khi Hà Nội thực hiện đợt giãn cách đầu tiên được 1 ngày, khi tới thăm, kiểm tra Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 TP Hà Nội tại trụ sở UBND TP vào sáng 25/7, Bí thư Thành ủy lưu ý: Bên cạnh phần lớn người dân thực hiện nghiêm, còn tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nơi của tổ chức, cá nhân. Nên các quận, huyện, thị xã phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền công khai để giáo dục, răn đe. Kỷ luật chính là sức mạnh hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy về đánh giá tình hình diễn ra chiều 27/7, Bí thư Thành ủy tiếp tục yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp TP phải bám sát địa bàn, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. TP sẽ lấy hiệu quả thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND làm “thước đo” trách nhiệm của từng cán bộ. “Hơn lúc nào, các cán bộ chủ chốt các cấp TP, trước hết là các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải nhận thức sâu sắc rằng phòng, chống dịch Covid-19 là sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng Nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của Thủ đô, của đất nước” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác xây dựng bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Viết Thành)
Hà Nội vẫn đang kiên trì thực hiện việc giãn cách xã hội lần thứ 3 kể từ ngày 24/7 với quyết tâm nhanh chóng khoanh vùng và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để sớm dập dịch. Thực tế, ghi nhận trên toàn TP cho thấy, số ca nhiễm trong ngày có xu hướng giảm và các ổ dịch lớn đều được huy động tổng lực truy vết, để khoanh vùng, xét nghiệm để tách F0 trong thời gian sớm nhất. Điều này góp phần chặn đà lây lan của dịch bệnh trên địa bàn TP và khẳng định việc TP chỉ đạo áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND là kịp thời và đúng đắn.
Trong phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại các cuộc làm việc với Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 gần đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội luôn xác định trong lúc chưa có đầy đủ vaccine và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định.
Không được chủ quan, lơ là
Ngày 24/8, qua việc trực tiếp đi kiểm tra và làm việc với huyện Thanh Trì, quận Đống Đa về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 24/8, Bí thư Thành ủy đánh giá: Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, ban đầu nguy cơ của Hà Nội rất lớn, nhưng nhờ lựa chọn biện pháp đúng, trúng, kịp thời; nhất là quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn TP từ ngày 24/7 và tổ chức xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm mà đến nay, có thể khẳng định, Hà Nội đã tranh thủ được thời cơ “thời gian vàng” để kiểm soát dịch.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Tổng công ty May 10, phường Sài Đồng, quận Long Biên. Ảnh: Viết Thành
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, yêu cầu phòng, chống Covid-19 đang đặt ra ngày càng cấp thiết, cấp bách. Do đó, các quận, huyện không được chủ quan, lơ là, tự mãn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” và phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ từ “gốc”, bố trí các chốt kiểm soát tới từng ngõ, ngách. Bởi, đợt giãn cách xã hội từ nay đến ngày 6/9 sẽ quyết định hiệu quả công tác phòng, chống dịch của TP.
Bí thư Thành ủy nêu rõ, quan điểm chỉ đạo chung của TP là trong thời gian thực hiện giai đoạn 3 giãn cách xã hội toàn TP đến ngày 6/9, cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở và toàn thể Nhân dân vào cuộc quyết tâm hơn, nhận thức sâu sắc, nỗ lực thực hiện thật tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư và TP; tận dụng tối đa những ngày giãn cách xã hội để đưa TP trở về trạng thái an toàn. Bên cạnh đó, TP xác định trong mọi tình huống, không để đột xuất, bất ngờ, phải đặt trong tầm kiểm soát; quyết tâm để tất cả F0, F1 được cách ly tập trung, điều trị tại cơ sở thu dung để bảo đảm các điều kiện theo dõi sức khỏe, chăm sóc tốt nhất.
Song song với việc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nhiều lần trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 và việc Hà Nội xác định công tác phòng chống dịch là ưu tiên số 1 trong lúc này. 
Từ đó, Bí thư Thành ủy đã kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... “Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Viết Thành
Đồng bộ các giải pháp để nhanh chống dập dịch
Bên cạnh việc quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ những nắm bắt, ghi nhận, kiểm tra thực tế tại các địa phương, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng còn luôn nhạy bén trong việc đề ra nhiều biện pháp, giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn chống dịch của TP.
Theo đó, tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Thành ủy Hà Nội với UBND TP, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP diễn ra chiều 10/5, Bí thư Thành ủy chỉ đạo UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã thiết lập ngay các khu vực cách ly ở mỗi địa phương. Khi phát hiện ổ dịch, các địa phương phải áp dụng mô hình sáng tạo trong kiểm soát theo “3 lớp” như đã triển khai rất hiệu quả tại huyện Đông Anh khi đó. Mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân. Trong đó, phải tiếp tục thực hiện tốt phương châm: Thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, thực hiện tốt biện pháp “5K”, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động cả hệ thống chính trị, Nhân dân cùng vào cuộc, chung tay phòng chống dịch.
 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo TP kiểm tra điểm cung ứng hàng hóa tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt phục vụ phường Văn Miếu (quận Đống Đa) - nơi đang trong diện phong tỏa. (Ảnh: Duy Linh)
Đặc biệt, vào ngày 4/8, gửi lời cảm ơn lực lượng tuyến đầu từ TP đến cơ sở tham gia phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền toàn TP cần nhanh chóng triển khai, tổ chức phổ biến và thiết lập các “vùng xanh” ở địa bàn dân cư như quận Hoàng Mai đang triển khai. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định “vùng xanh”, cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý. Bởi đây là giải pháp có ý nghĩa phòng thủ rất quan trọng, các địa phương phải cố gắng triển khai nhanh nhất, phấn đấu hoàn thành trong 1-2 ngày. “Với những nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, các lực lượng hỗ trợ và sự chung sức, đồng lòng, chấp hành nghiêm của Nhân dân, Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi và chiến thắng đợt bùng phát dịch lần này” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Có thể nói, với những chỉ đạo sát sao, liên tục và việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nhạy bén của Bí thư Thành ủy ở từng thời điểm mà đến nay Hà Nội đang tranh thủ được thời cơ “thời gian vàng” để kiểm soát dịch và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 
Thành phố đã và đang triển khai rất quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Đồng thời, có đủ thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đáp ứng mọi tình huống của dịch như: Chuẩn bị 65.000 chỗ cách ly F1 và trên 30.000 chỗ thu dung điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; trên 10.000 giường cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch. 
 Lãnh đạo phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) trao tận nhà tiền hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ và quà của phường đến người lao động tự do gặp khó khăn do tác động của đại dịch.
Tập trung mua sắm trang bị đầy đủ hệ thống ô xy, máy thở và xe cứu thương cho 100% cơ sở điều trị; nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày (bao gồm trả kết quả xét nghiệm); tổ chức xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng bảo đảm nguyên tắc nhanh nhất, chính xác, an toàn, hiệu quả; tập trung ưu tiên thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, cách ly “vùng đỏ”.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, TP đã chỉ đạo thực hiện ngay việc hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài chính sách trên, TP đã thống nhất ban hành thêm 12 nhóm chính sách đặc thù của TP với mục tiêu vừa hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động nhằm ổn định cuộc sống vượt qua đại dịch, vừa tiếp tục duy trì chuỗi sản xuất, nhất là sau thời gian giãn cách. Tính đến 12 giờ ngày 20/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã triển khai hỗ trợ trên 3.431 hộ nghèo với mỗi hộ một suất quà trị giá 1 triệu đồng. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 84.000 suất quà với trị giá trên 29 tỷ đồng…
Để giữ vững những thành quả chống dịch mà Hà Nội đạt được trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ 7 nhiệm vụ trọng tâm để quyết tâm đẩy lùi Covid-19 trong thời gian tới. Trong đó, TP sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả. Chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình để quyết định các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ từ sớm, dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tuyên truyền, vận động để mọi người dân Thủ đô tự giác, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch.
 Quận Thanh Xuân thực hiện xét nghiệm diện rộng cho người dân, shipper. (Ảnh: Hồng Thái)
Cùng với đó, TP triển khai chiến lược xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch. Huy động tối đa các nguồn lực với sự đóng góp của Nhân dân, DN để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cùng với việc nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, TP cũng sẽ quan tâm thực hiện “nhiệm vụ kép”, có giải pháp phù hợp đối với các chính sách sản xuất kinh doanh; không để đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì phát triển kinh tế.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần