Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại Đơn vị bầu cử số 4 gồm quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm. Cuộc tiếp xúc được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trụ sở quận Hoàng Mai tới 1.640 cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

Tham gia vận động bầu cử tại Đơn vị bầu cử số 4 gồm: Ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; ông Đặng Minh Châu (Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm) – Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội; bà Vũ Thị Lưu Mai – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội; ông Lưu Hồng Quang – Phó Bí thư Đoàn thanh niên cơ quan Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và bà Nguyễn Thị Phương Thuý – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở trường Mầm non Đại Mỗ A (quận Nam Từ Liêm).
Tham dự buổi tiếp xúc có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Bùi Huyền Mai...
 Các ứng cử viên Đơn vị bầu cử số 4 TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm
Cam kết thực hiện tốt vai trò người đại biểu Nhân dân
Sau khi Ban Tổ chức trình bày tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, các ứng viên lần lượt trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri. Điểm chung của các chương trình hành động là các ứng viên đều cam kết sẽ gắn bó mật thiết với cử tri, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri và cam kết sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Trình bày chương trình hành động với cử tri, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ, trong suốt quá trình công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau và dù trên cương vị nào cũng thường xuyên rèn luyện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. 
Từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, đồng chí cam kết thực hiện chương trình công tác với 8 nội dung cụ thể. Trước hết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của người đảng viên, người đại biểu của nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, thường xuyên giáo dục, nhắc nhở người thân, những cộng sự chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có quan hệ tốt với người dân ở khu dân cư và nơi làm việc...
Tiếp tục đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân; tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đổi mới, thường xuyên gắn bó, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của nhân dân, cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trình bày chương trình hành động tại hội nghị.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy khẳng định sẽ đề xuất với Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế nhằm đáp ứng được yêu cầu đề ra, tạo hành lang pháp lý góp phần vào công cuộc phát triển chung của đất nước và của Thủ đô Hà Nội. Tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân gắn với phát triển Thủ đô Hà Nội.
Với cương vị người đứng đầu TP, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đề cao tính nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu, gắn bó mật thiết với nhân dân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và văn hóa ứng xử với người dân, doanh nghiệp...
Bí thư Thành ủy cũng khẳng định sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực để thành phố phát triển nhanh, bền vững, tập trung trọng điểm vào một số lĩnh vực, như: kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường không khí; quản lý, sử dụng tài nguyên; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; kiểm soát và xử lý nước thải, rác thải; tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm; cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm...
Trình bày chương trình hành động của mình, ứng cử viên Đặng Minh Châu (Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm) cho biết, nếu trúng cử sẽ cam kết thực hiện tốt vai trò của người đại biểu Nhân dân và mang tiếng nói của cử tri cũng như đồng bào có đạo đến diễn đàn của Quốc hội góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Theo đó, quan tâm, dành nhiều thời gian đóng góp với chính quyền địa phương để đề ra những chính sách phù hợp với định hướng phát triển kinh tế -xã hội của Thủ đô. Đoàn kết các tôn giáo, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt luật tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo. Giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của tôn giáo. Vận động các tăng ni, tín đồ phật tử, đồng bào có đạo, Nhân dân tại các cơ sở thờ tự tiếp tục quan tâm, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo để tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội, nhất trong khi cả nước đang chống dịch Covid-19. Tăng cường đoàn kết với các tôn giáo, đồng bào có đạo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hướng dẫn tăng ni, phật tự trong việc phát huy đạo đức của phật giáo tạo sư lan toả trong giáo dục đạo đức, tư tưởng lối sống cho giới trẻ thông qua các buổi giảng giáo lý, khoá tu tại các chùa…
 Ứng cử viên Đặng Minh Châu (Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm) trình bày chương trình hành động tại hội nghị
Ứng cử viên Vũ Thị Lưu Mai – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội bày tỏ, chương trình hành động của mình sẽ hướng tới 3 vấn đề lớn (việc quyết định đến những vấn đề quan trọng của đất nước, lập pháp và hoạt động giám sát). Cụ thể, đề xuất với Quốc hội và TP Hà Nội để sớm đầu tư phát triển về hạ tầng, chấm dứt quy hoạch treo, xử lý ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đề xuất nâng cao các nguồn lực để phát triển việc cải tạo hệ thống sông, cải cách tiền lương, cải cách thủ tục hành chính và đồng hành với người dân trong việc chống lại dịch Covid-19.Đối với chức năng lập pháp của Quốc hội, sẽ tiếp tục đề xuất loại bỏ những quy định mang tính cục bộ, có nguy cơ tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm để bảo vệ quyền lợi của người dân; đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật về thuế, bãi bỏ các khoản thu bất hợp lý; sửa đổi quy định liên quan cơ chế hợp tác, phối hợp.Trong hoạt động giám sát tối cao, góp phần giám sát tính công khai, minh bạch của việc sử dụng nguồn lực đầu tư công cho các dự án đảm bảo tránh thất thoát; tránh lạm phát trong dịch bệnh; theo đuổi công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng đang thực hiện...
 Ứng cử viên Vũ Thị Lưu Mai trình bày chương trình hành động tại hội nghị
Trong chương trình hành động với 4 nội dung chính, ứng cử viên Lưu Hồng Quang cho biết, sẽ tập trung bảo vệ quyền, lợi ích của Nhân dân, dành nhiều thời gian tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giúp việc xây dựng chính sách sát thực tế, đảm bảo tính khả thị. Trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị, sẽ tham gia ý kiến để phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn, nhất là hoàn thiện hệ thống công cụ trong quản lý quy hoạch, tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo tính kết nối, rà soát các hệ thống văn bản pháp lý đã ban hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị. Đồng thời, sẽ đề xuất giải pháp để phát triển các làng nghề trong định hướng xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc để xây dựng các cụm công nghiệp. Tích cực tham gia ý kiến để bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; áp dụng công nghệ mới, phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong bảo vệ môi trường...
Ứng cử viên Nguyễn Thị Phương Thuý cho biết, nếu trúng cử vào đại biểu Quốc hội khoá XV, sẽ tiếp tục góp phần vào quá trình đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả của Quốc hội. Dành nhiều thời gian gắn bó, tạo mối liên hệ với Nhân dân để lắng nghe nguyện vọng, tâm tư ở nhiều lĩnh vực để mang tiếng nói của người dân đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật sát với thực tiễn. Đối với địa phương, cùng với việc phòng chống dịch Covid-19 sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề GD&ĐT. Với công tác chuyên môn trong giáo dục, bản thân sẽ góp tiếng nói của mình với Quốc hội để quan tâm tới giáo dục. Trong đó, ưu tiên việc quy hoạch và phát triển hệ thống trường, lớp đạt chuẩn quốc gia để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân…  Với vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở, sẽ góp phần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động. 
 Quang cảnh hội nghị
Giải quyết tốt vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển
Sau khi nghe 5 ứng cử viên trình bày chương trình hành động, cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm đồng tình, đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết của các ứng cử viên; dù ở các cương vị công tác khác nhau, song các ứng cử viên đều dành thời gian nghiên cứu kỹ về địa bàn mình ứng cử... Cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm tin tưởng, mong muốn các đại biểu trúng cử sẽ phát huy tốt năng lực, trí tuệ, trọng trách của người đại biểu Quốc hội gần dân hơn, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của Nhân dân, thực sự là chiếc cầu nối phản ánh một cách khách quan, trung thực, những tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri với Quốc hội. Đồng thời, đóng góp trí lực của mình cho sự phát triển của đất nước.
Cử tri quận Hoàng Mai và huyện Long Biên cũng mong muốn nếu trúng cử, các đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của 2 đơn vị, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2023; quan tâm đầu tư về quy hoạch, hạ tầng giao thông khớp nối đồng bộ, các vấn đề về môi trường. Cử tri cũng tin tưởng, mong muốn TP sớm khống chế thành công đợt dịch Covid-19, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”.
 Thay mặt các ứng cử viên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trao đổi với cử tri tại hội nghị

Thay mặt 5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 4, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn tình cảm, ý kiến của cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm. Giải đáp một số vấn đề cử tri đặt ra, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành ủy đang chỉ đạo xây dựng một Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Dự kiến ban hành trong quý II/2020 và tập trung vào 3 vấn đề là đất đai, xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và quản lý tài nguyên khoáng sản. 

“Tinh thần chung là nơi nào chưa có quy hoạch thì phải phủ kín quy hoạch, có quy hoạch rồi thì phải quản lý thật tốt... Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vi phạm về quy hoạch và nếu để xảy ra thì xử lý nghiêm” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Về giao thông, Bí thư Thành ủy cho biết, để góp phần giảm ùn tắc và mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô, mở không gian về thu hút đầu tư, giãn dân, phát triển đô thị thì vừa qua Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT và Thường trực của 4 tỉnh liên quan để thống nhất trình Chính phủ triển khai dự án đường vành đai 4. Đối với việc cải tạo các khu chung cư cũ, Bí thư Thành ủy thông tin, TP sẽ dùng ngân sách để kiểm định toàn bộ 1.579 chung cư cũ trên địa bàn. Cách làm cũng phải đổi mới, làm toàn bộ cả khu để tạo thêm không gian cho cảnh quan và môi trường đô thị. 

Còn với các vấn đề cử tri quan tâm như: Môi trường, rác thải, thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, đây cũng là những vấn đề lớn mà TP đang rất quan tâm để báo cáo Quốc hội.